Bà Rịa – Vũng Tàu: Tìm phương án đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra

20/10/2015 00:00

(TN&MT) - Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức buổi đối thoại với 13 cơ sở chế biến hải sản (DN) tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) về bồi thường...

 

(TN&MT) - Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức buổi đối thoại với 13 cơ sở chế biến hải sản (DN) tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) về bồi thường thiệt hại cá chết do ô nhiễm môi trường trên sông Chà Và. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc đối thoại.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả khảo sát, đánh giá nguyên nhân làm cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và bị chết ngày 6-9-2015, xác định chủ thể có liên quan để bồi thường thiệt hại, cá chết chia làm hai đợt với tổng số tiền gần 17,3 tỷ đồng.

Theo Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có 4 nguồn ô nhiễm dẫn tới cá chết: Nước xả thải từ cống xả thải số 6 (khu chế biến hải sản Tân Hải), nuôi trồng quảng canh của người dân trên bờ, hoạt động nuôi cá lồng bè và nước thải sinh hoạt của người dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Trong đó nguyên nhân chính chiếm đến 76,6% gây nên tình trạng cá chết hàng loạt là do các cơ sở chế biến hải sản khu vực Tân Hải xả thải chưa đạt chuẩn ra môi trường ra khu vực cống số 6.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại đã có 10 DN tham dự có ý kiến, nhưng hầu hết các DN đều không đồng tình với kết quả xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và của Viện Môi trường - Tài nguyên, đồng thời không đồng thuận với mức đề nghị bồi thường thiệt hại nêu trên. Bởi theo các DN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cá chết chứ không phải chỉ do xả thải từ các cơ sở chế biến hải sản ở Tân Hải. Trong đó nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt thấy rõ nhất là người dân không biết cách nuôi trồng, chăm sóc hợp lý, các lồng bè quá dày đặc, sử dụng tấm lợp fibro xi măng trong nuôi thủy sản làm ngăn chặn dòng nước khiến thức ăn tồn dư bị đọng lại gây ô nhiễm… Các DN đều đưa ra dẫn chứng là đã đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống xử lý nước, khí thải... việc bồi thường như đề xuất vừa qua của Sở Tài Nguyên và Môi trường là không công bằng cho các DN. Chính vì vậy, các doanh nghiệp yêu cầu Viện Môi trường - Tài nguyên xem xét lại quy trình đánh giá và chứng cứ quy kết việc cá chết hàng loạt là do xả thải.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng: Việc xác định, cá chết hàng loạt trên sông Chà Và ngày 6-9 vừa qua là sự cố môi trường nghiêm trọng ở cấp tỉnh, còn đối với toàn quốc thì sự cố này có thể được coi là sự cố nghiêm trọng thứ 2, sau sự cố môi trường do Công ty Vedan gây ô nhiễm . Để kịp thời khắc phục sự cố, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, kịp thời phối hợp với Viện Môi trường - Tài nguyên, các sở ngành triển khai quyết liệt để tìm ra nguyên nhân cá chết ngay từ ban đầu, do vậy đã giúp cho tình hình trận tự của tỉnh được ổn định, nhất là người dân nuôi cá không còn gây áp lực đối với các DN chế biến hải sản.

Về nguyên nhân thì các nhà khoa học của Viện Môi trường - Tài nguyên đã có kết luận. Do vậy, dù các DN còn một số ý kiến chưa đồng thuận về số liệu, tỷ lệ gây ra ô nhiễm... Nhưng tỉnh cũng rất mong muốn các DN có một phương án, có những tính toán và đề xuất giải pháp chung bồi thường cho người dân trên cơ sở hài hòa nhất. Tuy nhiên, các DN phải khẳng định được đây là trách nhiệm của mình chứ không phải tỉnh vận động hỗ trợ đền bù cho người dân. Trong trường hợp, các bên liên quan không thống nhất được phương án giải quyết, có thể sẽ phải đưa vụ việc ra tòa án xét xử theo pháp luật.

 Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh cũng đề nghị UBND TP. Vũng Tàu sớm tổ chức một buổi họp với các hộ dân bị thiệt hại trong đợt cá chết vừa qua để thông báo kết quả của buổi đối thoại này.  

                                                                                                  Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tìm phương án đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO