(TN&MT) - Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh 624 tấn/ ngày chất thải rắn (CTR) sinh hoạt và khoảng 215 tấn/ ngày CTR công nghiệp nguy hại. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý hiện nay chưa triệt đã khiến nguy cơ lượng CTR tồn dư bị phát tán ra môi trường bên ngoài rất cao, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguồn thải lớn nhưng xử lý ít
Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình của toàn tỉnh khoảng 624 tấn/ngày . Tuy nhiên, tính tới thời điểm này mới chỉ có 564 tấn/ ngày của 6/8 địa phương (TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa; các huyện: Tân Thành, Long Điền, Châu Đức và Đất Đỏ) được chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành).
Hai địa phương còn lại là huyện Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo vẫn đang xử lý chất thải sinh hoạt theo phương pháp chôn lấp tạm và đốt bằng lò đốt công suất nhỏ, chưa bảo đảm quy chuẩn môi trường. Cụ thể, CTR sinh hoạt của huyện Xuyên Mộc phát sinh mỗi ngày khoảng 50 tấn/ ngày, nhưng chỉ có khoảng 20/ngày được chôn lấp không hợp vệ sinh tại bãi rác Bưng Riềng, số còn lại khoảng 30 tấn/ngày được đốt tại các bãi tập kết rác tạm của xã sau đó tro được thu gom đưa về chôn tại bãi rác Bưng Riềng. Còn tại huyện Côn Đảo, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom đưa về bãi rác Nhật Bổn (Bãi Nhát), nhưng tại đây, chỉ có 5 tấn rác được đốt bằng Lò đốt sankyo ( Lò đốt đã hoạt động hết công suất 5 tấn/ngày), số rác còn lại (khoảng 5 tấn/ngày) được lưu giữ tạm cùng với lượng rác đang tồn lưu khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích bãi rác hiện nay sắp đầy, chỉ còn lại khoảng 300m2.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bãi rác Bưng Riềng (Xuyên Mộc) đang xử lý theo phương pháp chôn lấp tạm, không hợp vệ sinh |
Cũng theo thống kê từ sổ đăng ký của chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thì dự kiến mỗi ngày hoạt động công nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát sinh khoảng 215 tấn (không tính bụi lò thép), trong đó gồm có chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các KCN... Tuy nhiên, theo kết quả tổng hợp báo cáo của các chủ nguồn thải ( năm 2015) thì khồi lượng CTR nguy hại đã chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý mới khoảng 165 tấn/ngày như vậy nếu tính theo số lượng đăng ký thì CTR nguy hại còn tồn đọng 50 tấn/ ngày.
Riêng đối với khối lượng bụ lò thép, tính đến hết tháng 5/2016 thì đã có 07 nhà máy luyện thép chuyển giao bụi lò cho Công y cổ phần kim loại màu Việt Bắc và Công ty TNHH khai thác chế biến nhập khẩu khoáng sản Việt Nam để thu gom, vận chuyển về tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương xử lý khoảng 59.357 tấn, số lượng còn tồn dư đang được lưu giữ tại các nhà máy khoảng 7.805 tấn.
Đầu tư công nghệ hiện đại và siết chặt quy trình xử lý
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc xử lý rác thải sinh hoạt chậm sẽ có nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bởi vì rác thải sinh hoạt ở nước ta có hàm lượng hữu cơ lên đến hơn 75% và độ ẩm rất cao, nhất là vào mùa mưa, đây là thành phần có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, việc đầu tư các khu xử lý CTR công nghệ cao vô cùng cần thiết và cấp bách.
Để tăng cường kiểm soát, quản lý tốt các nguồn thải và CTR nhằm tiến tới việc thu gom, xử lý triệt để CTR sinh hoạt, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh BR –VT đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2017, Nhà máy chế biến phân compost của Công ty cổ phần môi trường xanh Bảo Ngọc tại Khu xử lý chất thải tập trung tại Tóc Tiên, Tân Thành sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Đầu tư Nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ đốt hiện đại cho huyện Côn Đảo vào năm 2017 và Khu xử lý chất thải rắn tập trung sử dụng công nghệ đốt tại xã Láng Dài huyện Đất Đỏ vào năm 2018 nhằm chấm dứt việc chôn lấp CTR sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý dứt điểm các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tạm ( Cổng Trắng, Láng Dài, Bưng Riềng, suối Nhật Bổn) giai đoạn 2017 -2019 và chuyển dần sang xử lý CTR sinh hoạt bằng các công nghệ tái chế (phân compost) và công nghệ đốt, kết hợp xử lý khí thải và phát điện, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Khu xử lý rác thải của Công ty TNHH KBec Vina |
Ông Mạnh cũng cho biết thêm: Để hạn chế nguồn CTR công nghiệp nguy hại ngoài việc quản lý, kiềm soát chặt chẽ nguồn phát thải thì tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện đại đầu tư tại tỉnh. Hiện tại đã có 4 nhà nhà máy xử lý chất thải nguy hại xây dựng ở khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, huyện Tân Thành như Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Hà Lộc, có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng trong hoạt động thu gom, xử lý và tái chế CTNH khép kín, trong đó có lò đốt FSI-500 công suất 500kg/giờ với công nghệ đốt hiện đại nhất; nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, dầu khí và CTNH Hùng Mạnh Dũng (chủ đầu tư là Cty TNHH Xử lý môi trường sạch Việt Nam) được xây dựng trên diện tích 1,5 ha, có công suất xử lý 23.000 tấn/năm…
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư ZinCox Resources PLC để thực hiện dự án xử lý bụi lò thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, huyện Tân Thành. Dự án xử lý, tái chế bụi lò thép của Công ty Zincox có tổng công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Sản phẩm đầu ra chính là ô-xit kẽm và gang; chì, bạc tinh chế và xỉ dùng cho xi măng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 115 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng). Công nghệ xử lý của dự án là công nghệ lò đáy quay (RHF). Đây là công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay trong xử lý bụi lò thép. Tiến độ thực hiện dự án từ 18-24 tháng, như vậy 2018 Nhà máy xử lý bụi lò thép của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đi vào hoạt động.
Mặc dù đã có giải pháp cụ thể, song thời gian xử lý triệt để cũng phải mất từ 1-2 năm, như vậy đồng nghĩa với lượng rác tồn dư tiếp tục tăng lên về số lượng, trong khi diện tích bãi rác sắp đầy (bãi rác Nhật Bổn, Côn Đảo) sẽ rất nguy hại đến môi trường. Thiết nghĩ, nhu cầu của mỗi người dân là luôn mong muốn có một môi trường sống trong lành. Do vậy, việc xử lý CTR nêu trên cần được các đơn vị chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành thực hiện sớm hơn.
Linh Nga