Ba “dòng vốn xanh” giúp doanh nghiệp giảm phát thải

Khánh Ly| 11/10/2022 14:39

(TN&MT) - Để có thêm nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh, doanh nghiệp có thể tận dụng các hỗ trợ chính sách tín dụng xanh từ ngân hàng, gọi vốn thông qua trái phiếu xanh và tham gia thị trường các-bon. Đây là các nguồn tài chính xanh khả thi giúp doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội.

anh-th-truong.jpg
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo

Cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi

Việt Nam đã tham gia Cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP 26 và nhấn mạnh mục tiêu này trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), chi phí thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2050 lên tới gần 374 tỷ USD (thời giá 2020). Chi phí chủ yếu nằm ở việc chuyển đổi khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch trong các ngành, lĩnh vực phát thải lớn sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.

Ông Tấn chỉ rõ, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn. Điều các doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, đặc biệt chuẩn bị về nhân lực có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

z3790832160304_48561ba5707e0867d0e9674787f8a2af.jpg
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ về: Chính sách và hành động thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam

Với những nỗ lực của ngành ngân hàng, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Theo Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, thể hiện ở sự chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh. Điển hình như Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do CP Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF); sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các Ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn WB…

Dự báo mức tăng trưởng vẫn rất khả quan và các doanh nghiệp cần chủ động, vận động, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để nắm bắt được cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xanh này – bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh.

Tính đến ngày 30/06/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​

Phát triển nguồn vốn xanh mới

Chia sẻ về một sản phẩm tài chính mới là trái phiếu xanh, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho biết, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng “xanh” của Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng, bao gồm: năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải, vật liệu, công nghiệp… Doanh nghiệp hoàn toàn có thế tìm kiếm chương trình huy động vốn trái phiếu xanh phù hợp trên thị trường quốc tế và đăng ký xác nhận nếu đáp ứng đủ các tiêu chí.

3900_z3790300479459_86eaf36fd53f24ccf4eaabe753448c2d.jpg
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings chia sẻ về trái phiếu xanh

Cùng với nguồn trái phiếu xanh quốc tế, Chính phủ Việt Nam (đầu mối là Bộ TN&MT) đang trong quá trình xây dựng và ban hành tiêu chí xanh cho Việt Nam và với các tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần theo dõi quá triển ban hành và triển khai các chính sách mới, nhằm tối đa hóa lợi ích từ các chương trình này.  

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Về vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.

“Khi tham gia vào thị trường carbon không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các doanh nghiệp từ Nhà nước.

“Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, muốn vậy doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”, vị chuyên gia này đề xuất.

z3790832016113_98850f4b5acd0ec980bf3662f3503504.jpg
Quang cảnh hội thảo

Cũng tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đã phân tích những cơ hội và thách thức, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, đào tạo… nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính. Một số phân tích kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo/công nghệ mới đang giúp các chuỗi sản xuất tiên tiến chuyển mình theo hướng giảm phát thải. Những nỗ lực/khó khăn, thách thức/kiến nghị từ các doanh nghiệp trong thực thi giảm phát thải nhà kính, nhằm góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26 trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba “dòng vốn xanh” giúp doanh nghiệp giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO