Chương trình có sự tham dự của các đại biểu đến từ tổ chức HTX, tổ chức đại diện nông dân cấp quốc gia từ mười nước châu Á và đại diện Việt Nam, các địa phương: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra khí hậu nóng lên tại khu vực Châu Á đã ảnh hưởng tới nông nghiệp. Nếu không có các biện pháp ứng phó, nhiệt độ trong khu vực sẽ tăng thêm 1oC trở lên, gây ảnh hưởng xấu tới sản lượng cây trồng như lúa mì, gạo, ngô… ở các khu vực nhiệt đới và ôn đới.
Theo đó, ngành nông nghiệp cần có những biện pháp nhằm ứng phó với BĐKH. Trong đó, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, thay đổi vòng đời của nguyên liệu sản xuất và xây dựng nền nông nghiệp hướng tới sự bền vững trong bối cảnh dân số tăng đang là những biện pháp được ngành nông nghiệp châu Á triển khai.
Các quốc gia châu Á cũng đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Theo đó, đây là một cách tiếp cận nhằm xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh BĐKH. Nông nghiệp thông minh hướng đến ba mục tiêu chính: Tăng năng suất bền vững; xây dựng các biện pháp ứng phí với BĐKH; giảm thiểu/tiến tới loại bỏ khí thải nhà kính trong nông nghiệp.
Nhiều quốc gia cũng đã chuyển giao công nghệ như Hệ thống cảnh báo thời tiết nhằm phòng ngừa thiệt hại lúa gạo do khí hậu nóng lên của Nhật Bản; Dự án phân tích và tìm ta tác động của BĐKH để ứng phó và bảo đảm an ninh lương thực của Indonesia; Dự án liên quốc gia về kiểm soát độ ẩm và độ khô thích hợp nhằm giảm thiểu khí nhà kính từ ruộng lúa tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có 13.712 HTX và 68.000 tổ hợp tác với 7 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển, chịu ảnh hưởng của nước biển dâng; đứng thứ hai về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp (giảm 12% ở Đồng bằng Sông Hồng và 24% ở Đồng bằng sông Cửu Long).
Những khó khăn của HTX theo kịch bản BĐKH đang diễn ra: công tác quản lý nhà nước về phòng chống BĐKH , hệ thống cảnh báo về thảm hoạ thiên nhiên, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường,… còn yếu kém; Nhiều HTX chưa tiếp cận các thông tin về những ảnh hưởng của BĐKH đối với nuôi trồng, phát triển sản phẩm của HTX để có kế hoạch, biện pháp ứng phó với BĐKH.
Liên minh HTX Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhằm giải quyết những thách thức đã nêu trên. Nhiều mô hình đã được triển khai tại Việt Nam như: Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại chăn nuôi bò sữa (Hà Nam); Sản xuất thanh long theo công nghệ Isarel; Nhà trồng ứng dụng hệ thống tưới tự động…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, Hội nghị thường niên lần thứ 19 của AFGC ngoài việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, nông dân Châu Á, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn các nước cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, mô hình HTX nông nghiệp, nhất là mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, HTX ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, HTX gắn với các sản phẩm thế mạnh của địa phương theo mô hình “Mỗi xã/làng một sản phẩm (OCOP)”; đồng thời hỗ trợ cho Liên minh HTX Việt Nam tham gia các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông dân khu vực Châu Á trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3.