13 nhóm chính sách của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nâng cao hiệu quả quản lý

Khương Trung | 18/04/2020 14:27

(TN&MT) - Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định 13 nhóm chính sách của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được đánh giá tác động trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách, đáp ứng với thu thế phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cụ quản lý.

Tên gọi và phạm vi sửa đổi

Tại Hội nghị Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội báo cáo, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình là dự án Luật BVMT (sửa đổi). 

Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật BVMT năm 2014 thay vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. 

Bên cạnh 07 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật của Chính phủ tại Tờ trình số 48/TTr-CP ngày 25/02/2019, dự án Luật bổ sung 06 chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 chính sách.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… với rất nhiều nội dung quy định chính sách mới theo hướng thay đổi/đổi mới cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý có tính cách mạng trong hoạt động BVMT cho phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. 

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc đổi tên dự án Luật thành Luật BVMT (sửa đổi) là phù hợp; kính đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, thống nhất phương án trình Quốc hội dự án Luật BVMT sửa đổi. 

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì Hội nghị Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

13 nhóm chính sách của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BVMT sửa đổi. Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật BVMT 2014; rà soát các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan đến BVMT; nghiên cứu kinh nghiệm quản lý môi trường của các nước để học hỏi, tiếp thu.

Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước; đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại chúng.

Ban soạn thảo cũng đã dịch toàn bộ dự thảo Luật để lấy ý kiến tham vấn các tổ chức quốc tế; trực tiếp làm việc với VCCI về dự thảo Luật. Bộ Tư pháp đã họp và có Báo cáo thẩm định dự án Luật;  Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án Luật tại phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2020. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cụ thể:

Nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư: sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, phân vùng môi trường, đánh giá sơ bộ tác động môi trường làm cơ sở để kiểm soát các hoạt động phát triển KT-XH, định hướng, sàng lọc các dự án đầu tư phát triển phù hợp với mục tiêu BVMT. 

Cụ thể: (1) Bổ sung nội dung về chiến lược BVMT quốc gia; (2) Chỉnh sửa, bổ sung quy định về nội dung chính, sản phẩm của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; (3) Bổ sung quy định về phân vùng môi trường làm cơ sở cho quy hoạch BVMT, trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, phù hợp với điều kiện tự nhiên, chấp nhận tính đồng nhất tương đối và hài hòa với phân vùng KT-XH; (4) Bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong đó thu hẹp hơn đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công vì thực tế các dự án có cấu phần xây dựng mới có tác động đến môi trường, bổ sung đối tượng là các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; các quy định này không làm phát sinh thêm TTHC.

Nhóm chính sách về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường

Về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC): điều chỉnh đối tượng phải ĐMC theo hướng không quy định đối với kế hoạch, bổ sung đối tượng là các dự án luật, pháp lệnh, chương trình mục tiêu quốc gia có chính sách, nội dung liên quan đến BVMT, thu hẹp đối tượng đối với các chiến lược (chỉ các chiến lược cấp quốc gia về phát triển ngành, lĩnh vực). Bỏ thủ tục thẩm định báo cáo ĐMC mà lồng ghép với quá trình thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược để bảo đảm tính thống nhất, cải cách TTHC.

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM): đã xác lập lại theo đúng vai trò của ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án; việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường (GPMT), đăng ký môi trường. Quy định rõ dự án đầu tư chỉ phải thực hiện các TTHC về môi trường theo một trong bốn trường hợp: (1) Chỉ phải thực hiện ĐTM; (2) Phải thực hiện ĐTM và có GPMT; (3) Chỉ phải có GPMT; (4) Không phải thực hiện ĐTM và GPMT. 

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐTM, chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn, có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; danh mục cụ thể giao Chính phủ quy định; Bổ sung quy định về điều kiện (cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn) đối với các tổ chức thực hiện ĐTM; Giao thẩm quyền thẩm định ĐTM của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (theo phương án 1 được Chính phủ đề xuất); Thay thế việc phê duyệt báo cáo ĐTM bằng phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM; Bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch BVMT mà thay bằng công cụ GPMT hoặc đăng ký môi trường; Quy định thời gian thẩm định ĐTM để đảm bảo phù hợp với các dự án lớn, phức tạp cần tham vấn ý kiến các bên liên quan.

Nhóm chính sách về giấy phép môi trường, đăng ký môi trườngĐể đẩy mạnh cải cách TTHC, dự thảo Luật quy định việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi,  các loại giấy phép về môi trường hiện hành vào GPMT; quy định sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình cấp giấy phép. Đối tượng phải có GPMT là các dự án, cơ sở có phát sinh nguồn thải với khối lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành; đối tượng chỉ phát sinh chất thải thông thường với khối lượng nhỏ chỉ phải đăng ký môi trường theo hình thức đơn giản, trực tuyến; đối tượng quy mô hộ gia đình, cá nhân và một số đối tượng khác được miễn GPMT, đăng ký môi trường. 

Quy định nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp GPMT để làm căn cứ cấp phép, trong đó dự án không phải thực hiện ĐTM phải đầy đủ, cụ thể thông tin hơn so với dự án đã có ĐTM. Quy định thời gian cấp giấy phép đảm bảo ngắn hơn tổng thời gian thực hiện các TTHC theo quy định hiện hành; thời hạn của giấy phép tối đa là 10 năm để phù hợp với yêu cầu rà soát công nghệ xử lý chất thải, rà soát, điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và kinh nghiệm quốc tế. 

Nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thảiBổ sung quy định về phân loại CTR tại nguồn; thay đổi phương thức tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo hướng căn cứ vào việc phân loại. Bổ sung quy định khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tốt nhất hiện có (BAT), công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng trong xử lý CTRSH; không khuyến khích chôn lấp CTRSH; không cho phép đầu tư cơ sở xử lý CTRSH quy mô nhỏ. Quy định cơ chế quản lý linh hoạt đối với chủ nguồn thải CTR thông thường phát sinh với khối lượng nhỏ; trách nhiệm giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với từng nhóm chất thải. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định trách nhiệm đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đối với hộ gia đình và cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ (khi cải tạo, xây dựng mới); bổ sung quy định khuyến khích kiểm toán môi trường tại các cơ sở sản xuất. 

Nhóm chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trườngNhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống và người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, dự thảo Luật đã đưa ra các quy định cụ thể về nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nguyên tắc xây dựng quy chuẩn đối với một số nhóm quy chuẩn chủ yếu; đưa ra nguyên tắc áp dụng quy chuẩn như: đối với các khu vực không còn khả năng duy trì mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường, khu vực không còn khả năng tiếp nhận chất thải, khu vực môi trường đang bị ô nhiễm thì chỉ chấp thuận tiếp nhận các dự án đầu tư mới không phát sinh nước thải, khí thải hoặc có phát sinh nước thải, khí thải đã được xử lý phải thấp hơn hoặc bằng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường; đối với trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì phải áp dụng tiêu chuẩn về BVMT của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, Hàn Quốc; bổ sung quy định về BAT đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. 

Nhóm chính sách về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMTBổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan QLNN, nội dung QLNN về BVMT để bao quát được các hoạt động BVMT; cụ thể hóa trách nhiệm QLNN về BVMT của Chính phủ, Bộ TN&MT, đảm bảo vai trò thống nhất tham mưu QLNN về BVMT của Bộ TN&MT, trách nhiệm tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT của các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực; quy định rõ vai trò, trách nhiệm QLNN về BVMT của UBND các cấp. 

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung và trách nhiệm về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động khác theo ngành, lĩnh vực, bao gồm: khu kinh tế, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; trong các hoạt động: nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, nhập khẩu phế liệu,…; BVMT khu đô thị, khu dân cư tập trung, nơi công cộng, hộ gia đình, nông thôn.

Nhóm chính sách về công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMTBổ sung, hoàn thiện các công cụ kinh tế, chính sách ưu đãi của Nhà nước về BVMT, chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường và việc huy động các nguồn lực cho BVMT. Cụ thể, bổ sung đối tượng chịu thuế là chất thải vào thuế BVMT với lộ trình chuyển đổi phù hợp; Quy định cơ chế đặt cọc - hoàn trả, trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì; Quy định về thị trường phát thải và trao đổi hạn ngạch phát thải; Bổ sung chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường, trong đó đưa ra quy định về phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; Bổ sung các quy định có tính nguyên tắc về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thực hiện đối tác công tư trong BVMT để huy động đa dạng các nguồn lực cho BVMT; việc triển khai cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Hoàn thiện các quy định về nội dung chi hoạt động sự nghiệp BVMT, chi đầu tư phát triển BVMT; Quy định cụ thể về Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Các công cụ kinh tế được sửa đổi, bổ sung nhằm khuyến khích doanh nghiệp thân thiện môi trường, chỉ gắn trách nhiệm về tài chính đối với các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhóm chính sách về quản lý chất lượng môi trườngQuy định các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt bổ sung một số giải pháp về BVMT không khí như quy định lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, thực hiện giải pháp phân luồng giao thông, ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông cá nhân thân thiện với môi trường, vv.; bổ sung các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên và các dự án có khả năng gây suy giảm tài nguyên, gây ô nhiễm hoặc làm biến đổi môi trường phải ký quỹ phục hồi môi trường. Đặc biệt, đã bổ sung quy định cụ thể về sức khỏe môi trường nhằm kiểm soát và phòng ngừa các tác hại của các yếu tố môi trường đến sức khỏe con người.

Nhóm chính sách về quản lý cảnh quan thiên nhiên: Nhằm ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học do các tác động tiêu cực của quá trình phát triển KT-XH, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên quan trọng, bồi hoàn đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM đối với các cảnh quan thiên nhiên quan trọng, quan trắc đa dạng sinh học.

Nhóm chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu: Quy định cụ thể về nội dung thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; quy định về thuế các-bon; lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống quy hoạch và trách nhiệm các cơ quan trong ứng phó với BĐKH. Đặc biệt là việc bổ sung quy định về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong nước, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để phù hợp và đáp ứng yêu cầu hội nhập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhóm chính sách về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường: Bổ sung các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo hướng phân định rõ các loại sự cố môi trường, gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan và các biện pháp ứng phó phù hợp; vai trò, trách nhiệm của cơ quan QLNN về BVMT trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; bổ sung bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Quy định cụ thể nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với trường hợp từ hai tổ chức, cá nhân trở lên gây ô nhiễm; trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường đối với UBND các cấp và Bộ TN&MT.

Nhóm chính sách về quan trắc, thông tin, CSDL và báo cáo môi trường: Đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện quy định về quan trắc chất thải tự động, liên tục tại doanh nghiệp để phục vụ giám sát và xử lý vi phạm, trong đó tập trung vào các nguồn thải lớn, giám sát thông số cơ bản và thông số đặc thù theo tính chất nguồn thải và trình độ phát triển công nghệ; quy định trách nhiệm cụ thể của một số bộ, ngành trong quan trắc môi trường; trách nhiệm của Bộ TN&MT trong thiết lập và vận hành hệ thống quan trắc môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường tích hợp trong hệ thống thông tin môi trường, phục vụ công tác quản lý môi trường, công bố, công khai thông tin, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC về môi trường. Bổ sung quy định về các chỉ tiêu thống kê quốc gia về môi trường nhằm đo lường, đánh giá hoạt động BVMT và thống nhất với hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; hoàn thiện quy định về báo cáo công tác BVMT của nhà nước và doanh nghiệp. 

Nhóm chính sách về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT: Dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc, làm rõ trách nhiệm của nhà nước và tổ chức, cá nhân trong hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về BVMT; trách nhiệm giám sát và báo cáo tình hình hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về BVMT; cụ thể hóa việc thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn. 

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT như: quy định rõ trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra BVMT; quy định tần suất thanh tra để tránh chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp; cơ chế đặc thù về thanh tra, kiểm tra đột xuất BVMT không cần công bố, thông báo trước; quy định hoạt động kiểm tra BVMT của lực lượng cảnh sát môi trường để tránh chồng chéo như hiện nay; tăng thời hiệu, mức phạt tiền, bổ sung biện pháp xử lý hành chính (biện pháp giáo dục, lao động công ích) trong xử lý vi phạm về BVMT nhằm bảo đảm tính răn đe đối với cá nhân, tổ chức vi phạm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cụ quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
13 nhóm chính sách của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nâng cao hiệu quả quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO