Yên Sơn - Tuyên Quang: Cổ phần hóa ngành chè - người dân bị "ép" quyền lợi

11/08/2015 00:00

(TN&MT) - Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được cổ phần hóa năm 2009, trên cơ sở công ty Nhà nước trước đây. Lẽ thường theo cơ chế thị trường, người trồng chè sẽ được hưởng lợi, thế nhưng thời gian qua nhiều hộ dân đã bị doanh nghiệp “ép” về nhiều mặt, khiến người dân hoang mang, thua thiệt về quyền lợi ngay cả khi vụ việc được giải quyết tại tòa, vì sao?

Nỗi niềm người trồng chè

Những ngày qua, nhiều hộ dân trồng chè tại Yên Sơn đang mất ăn, mất ngủ vì vườn chè dày công vun trồng bao nhiêu năm có nguy cơ bị mất trắng. Để có được những vườn chè xanh ngút ngàn như hiện nay họ phải đánh đổi biết bao khó khăn vất vả, lẽ thường cây chè sẽ “trả ơn” nhưng  chính công cuộc cổ phần hóa ngành chè đang đem lại cho người dân nơi đây sự hoang mang, lo lắng, bởi quyền lợi của họ đang bị chính các doanh nghiệp này “ép” về nhiều mặt.

Bà Nguyễn Thị Lan, xóm 17, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn cho biết, trước đây khi Công ty CP chè Sông Lô được thành lập theo Quyết định 1877/QĐ – CT ngày 29/2/2009 thì gia đình bà và các hộ dân khác trong vùng vẫn thực hiện mua bán sản phẩm cho Công ty chè Sông Lô (Doanh nghiệp Nhà nước - PV). Sau đó họ tiếp tục bán sản phẩm đều đặn cho công ty cổ phần, nhưng điều lạ thay cuối mỗi vụ đều bị khấu trừ rất nhiều khoản phi lý và tiền thu về không được tương xứng với thành quả lao động mà người dân đã bỏ ra.

Được biết, 100% các hộ trồng chè trước đó đã ký giao khoán đất trồng chè ổn định, thời hạn 50 năm theo Nghị định 01/CP của Chính phủ, nhưng nay Nghị định này đã được thay thế bằng Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ, thời hạn có thay đổi xuống còn 30 năm. Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm đã đề nghị ký lại hợp đồng với các hộ dân nhưng không thực hiện thanh lí hợp đồng cũ đã ký, khiến nhiều hộ dân bức xúc và không đồng tình. Mặt khác, Công ty CP đã tự soạn ra một hợp đồng mới, với các điều khoản có lợi cho chính mình và đẩy thiệt thòi, rủi ro cho người trồng chè phải chịu.

Bà Nguyễn Thị Lan chỉ về vườn chè xanh tốt đang bị Công ty CP chè Sông Lô đâm đơn khởi kiện ra Tòa án
Bà Nguyễn Thị Lan chỉ về vườn chè xanh tốt đang bị Công ty CP chè Sông Lô đâm đơn khởi kiện ra Tòa án

Luật sư Trần Văn Lý cho biết, hợp đồng đã ký theo Nghị định 01/CP nay chuyển sang ký theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP thì quyền và trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp Nhà nước là các Công ty chè Sông Lô và Công ty chè Mỹ Lâm. Khi thay đổi hợp đồng các doanh nghiệp không được thay đổi nội dung, hợp đồng đã ký với người lao động chỉ thay đổi về thời hạn giao khoán đất từ 50 năm xuống 30 năm, nên quyền và lợi ích của người lao động không bị thay đổi. Ông Lý khẳng định thêm: Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP là Nghị định chỉ doanh nghiệp Nhà nước được áp dụng, các công ty cổ phần hóa không có quyền áp dụng. Nhưng trên thực tế, Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm lại đang áp dụng Nghị định này và gây ra nhiều bất lợi cho người trồng chè.

Bà Đặng Thị Thuận, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn tâm sự: Người dân không muốn chống đối lại chủ trương của tỉnh, chúng tôi chỉ đề nghị khi ký lại hợp đồng doanh nghiệp phải bàn bạc với dân, đi đến thống nhất các điều khoản rồi mới đi đến ký kết, chứ đặt người dân ở thế “việc đã rồi” thế này trăm thứ thiệt thòi đều đổ lên đầu người  trồng chè.

Nhiều trình tự thủ tục bị…bỏ qua

Bà Nguyễn Thị Lan trú tại xóm 17, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, một trong những người dân đang nhận khoán đất và tài sản trên đất là vườn chè theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 với Công ty chè Sông Lô. Hiện nay một số hộ dân đang bị Công ty CP chè Sông Lô khởi kiện ra Toà án huyện Yên Sơn về tranh chấp hợp đồng giao khoán đất trồng chè, nợ tiền vật tư, tiền trồng chè mới…

Công ty CP chè Sông Lô được thành lập theo Quyết định số 1877/QĐ-UB ngày 22/9/2009 và Quyết định số 1449/QĐ-UB ngày 8/7/2009 về việc giá trị doanh nghiệp của công ty chè Sông Lô để cổ phần hóa. Nội dung của hai quyết định này đều thể hiện chỉ cổ phần hóa nhà máy chế biến mà không cổ phần hóa phần sản xuất nông nghiệp (vườn chè).

Đến nay, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa ra quyết định về việc thu hồi đất của Công ty chè Sông Lô (trong đó có các diện tích giao đất khoán cho các hộ) để giao cho Công ty CP chè Sông Lô thuê hay giao đất có thu tiền sử dụng đất. Nhưng UBND tỉnh Tuyên Quang lại ban hành Quyết định số 261/QĐ -UBND ngày 23/7/2013 về việc “thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Công ty CP chè Sông Lô tại: Đội Bình, Hoàng Khai, Kim Phú, Nhữ Khê, thị trấn Tân Bình thuộc huyện Yên Sơn. Diện tích bị thu hồi trên bao gồm toàn bộ đất và tài sản trên đất là vườn chè và hệ thống ao hồ được Công ty chè Sông Lô là doanh nghiệp Nhà nước giao khoán ổn định, lâu dài cho người lao động theo Nghị định 01/CP”.

Người dân trồng chè trao đổi với phóng viên về những bức xúc thời gian qua họ phải hứng chịu
Người dân trồng chè trao đổi với phóng viên về những bức xúc thời gian qua họ phải hứng chịu

Theo Quyết định 1877/QĐ-UB và 1449/QĐ-UB thì Công ty CP chè Sông Lô chỉ thực hiện cổ phần hóa phần nhà máy chế biến, không cổ phần hóa đất nông nghiệp và giá trị vườn chè đã được giao cho các hộ dân. Nếu Công ty CP chè Sông Lô muốn thuê lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất thì Công ty phải được UBND tỉnh ra quyết định về việc thu hồi đất của Công ty chè Sông Lô (doanh nghiệp Nhà nước trước đây - PV) để giao cho Công ty CP chè Sông Lô thuê hay giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại điều 32 Luật Đất đai 2003 (tại thời điểm đó vẫn đang áp dụng Luật Đất đai 2003).

Khi Công ty CP chè Sông Lô được giao đất đúng quy định của pháp luật phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và tuân thủ theo các quy định về trình tự, thủ tục về thu hồi đất theo Luật Đất đai 2003; Quyết định số 16/2009/QĐ -UBND và Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 12/6/2012 của UBND tỉnh Tuyên Quang quy định về việc: Phân chia tiền bồi thường tài sản giá trị vườn chè của Nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất vường chè đã giao khoán cho các hộ nhận khoán. Khi đó Công ty CP mới được công nhận là chủ sử dụng đất và được cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất. Hoặc lúc này mới có quyền cho người lao động thuê lại đất của công ty đang sở hữu.

Trên thực tế, Công ty CP chè Sông Lô chưa được quyền sử dụng và quản lý toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất đã được Nhà nước giao khoán cho các hộ dân và không phải là chủ thể của các hợp đồng giao khoán đất theo Nghị định 01/CP trước đây.

Đối với tài sản trên đất là giá trị vườn chè thì người nhận khoán đất có trách nhiệm trả giá trị vườn chè cho Nhà nước trong thời gian là 10 năm. Hiện nay nhiều vườn chè đã được người lao động trả xong giá trị cho Nhà nước, một số vườn chè của người lao động chưa trả hết nên tổng số giá trị vườn chè không phải là hoàn toàn của Nhà nước mà gồm cả Nhà nước và người lao động.

Nhưng theo đơn kiến nghị của bà Lan và các hộ dân thì Công ty CP chè Sông Lô, Công ty CP chè Mỹ Lâm lại đang lợi dụng vào Quyết định 261/QĐ của UBND tỉnh Tuyên Quang để gây khó dễ cho người trồng chè, khiến cho người dân rất bức xúc.  Cũng theo luật sư Trần Văn Lý thì việc Công ty CP tiến hành khởi kiện các hộ dân đã có hợp đồng nhận khoán theo Nghị định 01/CP hay Nghị định 135/2005/NĐ-CP là không đúng vì các công ty cổ phần chưa phải là chủ thể của hợp đồng, nên không có quyền khởi kiện.

Do đó, đối với trường hợp ông Nguyễn Như Khảm, xã An Tường, TP. Tuyên Quang bị Công ty CP chè Sông Lô khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn (Bản án số: 39/2014/DS-ST ngày 6/8/2014) và Bản án phúc thẩm số 14/2015/DS-PT ngày 12/5/2015 cần xem xét lại?!

Doãn Xuân - Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Sơn - Tuyên Quang: Cổ phần hóa ngành chè - người dân bị "ép" quyền lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO