Yên Bái: Phát triển mô hình mới giúp người dân thoát nghèo
(TN&MT) - Chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được triển khai thực hiện, qua đó thúc đẩy những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, giá trị kinh tế cao giúp người dân xoá đói, giảm nghèo. Xung quanh nội dung này phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.
P.V: Xin ông cho biết những chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Điển: Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có quy định một nội dung chính sách “Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản”. Hàng năm, dự kiến bố trí 3 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện; cơ chế hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 04/7/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái ban hành quy định nội dung chi và mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Mức hỗ trợ cụ thể theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
P.V: Được biết, tỉnh đã và đang thực hiện chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới với 2 dự án trồng khoai sọ nương tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải và 1 dự án sản xuất miến đao theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên. Vậy, cụ thể các dự án này được hỗ trợ và triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Điển: Đối với 2 dự án trồng khoai sọ nương tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, do triển khai ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn nên được hỗ trợ 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Đối với dự án miến đao theo chuỗi giá trị tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, không thuộc địa bàn khó khăn thì được hỗ trợ 70% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Ngoài ra, các dự án, mô hình này còn được hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật, sơ kết, tổng kết mô hình.
Các dự án, mô hình này đều được triển khai đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra, được các cơ quan chức năng nghiệm thu khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn ngân sách hỗ trợ theo quy định. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 3 dự án là 1.639 triệu đồng; trong đó: dự án khoai sọ Trạm Tấu 671 triệu đồng, dự án khoai sọ Mù Cang Chải 348 triệu đồng, dự án miến đao Trấn Yên 620 triệu đồng.
Đến nay, các dự án trồng khoai sọ nương được duy trì và nhân rộng mô hình trên địa bàn, đem lại hiệu quả sản xuất cho người dân vùng cao. Cụ thể, tại huyện Trạm Tấu đã phát triển mở rộng diện tích khoai sọ nương từ 80 ha trước khi thực hiện dự án lên 600 ha hiện nay, tại huyện Mù Cang Chải từ 5 ha mô hình ban đầu, nay đã phát triển nhân rộng trên 10 ha tại xã Hồ Bốn. Năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha, với giá bán hiện nay dao động ở mức 20 nghìn đồng/kg, tổng thu 1 ha là 180 triệu đồng; sau khi trừ chi phí đầu tư là 84 triệu đồng/ha, cho lãi trên 90 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, hiện nay, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ với Nhãn hiệu chứng nhận “Khoai sọ nương Trạm Tấu”.
Đối với dự án miến đao Trấn Yên, diện tích vùng trồng đao nguyên liệu tăng từ 70 ha khi thực hiện dự án lên 120 ha hiện nay, doanh thu từ 180 đến 200 triệu đồng/ha; sản lượng miến đao của Hợp tác xã tăng từ 30 tấn lên trên 100 tấn hiện nay. Đặc biệt sản phẩm miến đao Trấn Yên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và hiện đang lập hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.
P.V: Thưa ông, chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương và thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp?
Ông Nguyễn Đức Điển: Đây là nội dung chính sách hỗ trợ có hướng mở để các địa phương tiếp cận, chủ động đề xuất các dự án, mô hình mới, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
P.V: Các địa phương trong tỉnh nên tập trung vào khai thác lợi thế, tiềm năng nào để xây dựng các dự án, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp và khai thác hiệu quả chính sách hỗ trợ? Thưa ông!
Ông Nguyễn Đức Điển: Các địa phương cần tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế chủ yếu về: Điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, lao động, từ đó lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Cùng với đó, cần tích cực tuyên truyền chính sách tới người dân, các hợp tác xã để chủ động đề xuất hỗ trợ các mô hình mới nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!