Xã hội

Yên Bái: Cây dâu, con tằm giúp người dân thoát nghèo

Thanh Ngà 27/04/2023 - 18:16

Sau hơn 20 năm bén rễ trở lại trên vùng đất khó huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nghề trồng dâu nuôi tằm đã hồi sinh mạnh mẽ, mang lại thu nhập cao, đã góp phần đưa huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Bắc. Hiện nay, Trấn Yên cùng một số địa phương của huyện Văn Chấn, Văn Yên đã trở thành vùng trồng, sản xuất các sản phẩm từ cây dâu, con tằm lớn nhất miền Bắc.

Diện tích trồng dâu được mở rộng

Xã Báo Đáp hiện có hơn 150ha dâu với trên 260 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở các thôn: Đồng Sâm, Đồng Trạng, Đình Xây, Đồng Bưởi... Đến nay, trên địa bàn xã đã có một làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đình Xây. Ngoài ra, đã thành lập một hợp tác xã (HTX) và 18 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Năm 2022, nông dân trong xã đã nuôi trên 12.000 vòng tằm, sản lượng kén đạt 209 tấn, mang lại nguồn thu gần 30 tỷ đồng. Đặc biệt, tại địa phương đã hình thành chuỗi liên kết trồng dâu nuôi tằm giữa HTX dâu tằm với các hộ trồng dâu nuôi tằm, hàng năm tiêu thụ ổn định kén tằm cho nhân dân.

z4298592841435_5aa78ee0a69a18cdce301fba7ab402ec.jpg
Diện tích trồng cây dâu của huyện Trấn Yên ngày càng tăng

Cùng với cây tre măng bát độ, cây quế, trồng dâu nuôi tằm đã trở thành ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên. Đặc biệt, việc có nhà máy thu mua chế biến kén ngay tại địa phương đã giúp người dân yên tâm gắn bó với cây dâu, con tằm.

Đến nay, huyện Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với diện tích trên 860ha với hơn 1.500 hộ dân nuôi tằm, sản lượng kén tằm toàn huyện trong năm 2022 đạt hơn 1.100 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp chế biến tơ, dệt lụa… Từ đó, nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương.

z4298431444044_e510345b40fa6d60eb70be768e1e8be5.jpg
Trồng dâu, nuôi tằm giúp người dân có thu nhập ổn định

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng vùng trồng dâu cũng như nuôi tằm để ra được kén tằm chất lượng phục vụ cho nhà máy chế biến, đồng thời là thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh về trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện.

Người dân có thu nhập ổn định

Năm 2023, hứa hẹn sẽ là năm đột phá của dâu tằm huyện Trấn Yên khi Công ty cổ phần Dâu tằm Yên Bái đi vào hoạt động. Với công xuất 150 tấn tơ/năm, toàn bộ lượng kén tằm của nhân dân trong huyện sẽ được công ty tiêu thụ. Với giá thu mua cao, ổn định không lo thương lái ép giá người dân đã yên tâm đầu tư sản xuất.

z4298431445798_c60845d8387377aefd96fa7a39b0d224.jpg
Sản phẩm kén tằm của người dân được Nhà máy ươm tơ thu mua

Ông Vũ Xuân Trường – Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm Yên Bái cho biết: Với quy mô thiết kế sản xuất, Công ty có thể thu mua toàn bộ số lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn huyên Trấn Yên thông qua việc ký hợp đồng thu mua kén tằm của các hợp tác xã HTX và thương lái theo giá thu mua ổn định.

Công ty cũng là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX, hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén.

z4298566286221_711819cd4bf40b348c4a0126a3c7012e.jpg
Nhà máy ươm tơ tự động được xây dựng trên diện tích 2ha tại xã Báo Đáp với công suất 150 tấn tơ tằm/ năm

Với công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.100 tấn kén tằm, nhà máy đảm bảo bao tiêu sản phẩm toàn bộ số lượng kén tằm của huyện Trấn Yên và các huyện trong địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công ty còn đào tạo và giải quyết việc làm cho 80 lao động của địa phương có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất của nhà máy từ vụ tằm hè thu 2022, Công ty đã tiến hành thu mua 15 tấn kén với giá bình quân 170.000 – 180.000 đồng/kg, có thời điểm kén loại 1 được thu mua lên tới 210.000 đồng/kg. Điều này đã giúp người dân yên tâm sản xuất, đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm.

z4298567070677_c7608ce00a5411c6bd8509934de5c477.jpg
Năm 2023, nhà máy tơ tằm đi vào hoạt động đã thu mua kén với giá cao giúp người dân yên tâm sản xuất

Bà Trần Thu Trang - Thôn Thắng Lợi, xã Y Can chia sẻ: “Gia đình tôi trồng dâu nuôi tằm từ năm 2013 đến nay. Từ khi nghe tin nhà máy tơ tằm của Công ty cổ phần Dâu tằm Yên Bái đi vào hoạt động và thu mua toàn bộ kén của người dân trên địa bàn huyện ai nấy đều phấn khởi. Chất lượng con giống được đảm bảo, năng suất kén tằm cao. Với khoảng 0,3ha đất trồng dâu nuôi tằm, năm 2022 gia đình tôi thu được khoảng 8 tạ kém tằm, thu về khoảng 100 triệu. Năm 2023, nhà máy tơ tằm đi vào hoạt động với giá thu mua kén cao, ổn định gia đình tôi chủ động thuê thêm đất mở rộng đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Hiện tại gia đình tôi có khoảng 0,8ha cây dâu đang cho thu hái lá. Với diện tích hiện tại khi vào vụ những ngày tằm ăn dỗi gia đình tôi phải thuê thêm người mới đảm bảo lá cho tằm ăn”.

Tính đến nay trên địa bàn huyên Trấn Yên có hơn 1.500 hộ tham gia nuôi tằm chủ yếu ở các xã: Quy Mông, Việt Thành, Y Can, Báo Đáp… Cùng với đó, đã thành lập được 13 HTX dâu tằm và 22 nhà nuôi tằm con. Nhà máy tơ tằm tại xã Báo Đáp đi vào hoạt động sản xuất đã tạo chuỗi phát triển bền vững cho nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Cây dâu tằm ngày càng khẳng định vị trí của mình trong phát triển kinh tế xã hội, là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Cây dâu, con tằm giúp người dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO