Môi trường

Xử lý pin xe điện an toàn với môi trường

Minh Hạnh - Khánh Ly 24/10/2023 - 13:12

(TN&MT) - Để hạn chế tác động đến môi trường của pin xe điện khi hết thời gian sử dụng hữu ích, chúng ta cần tối đa hóa giá trị sản phẩm bằng cách tái sử dụng, tái sản xuất, và tái chế tất cả các thành phần liên quan. Đồng thời, ghiên cứu và phát triển phương pháp quản lý phù hợp cho giai đoạn cuối vòng đời của xe điện.

Đây là khuyến nghị của ông Patrick Haverman - Trưởng đại diện UNDP Việt Nam tại Hội thảo tham vấn giải pháp xử lý cuối vòng đời của pin xe điện, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ án “Mở rộng quy mô giao thông điện và cơ chế thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam", nhằm giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tăng cường hệ sinh thái cho phương tiện giao thông điện và giao thông xanh ở cấp quốc gia.

Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển xe điện. Cụ thể, lượng phương tiện có động cơ chạy bằng điện tại Việt Nam đã tăng từ 140 xe vào năm 2019 lên khoảng 2 triệu xe máy điện và 11.000 xe ô tô điện vào cuối năm 2022. Số lượng xe buýt điện và taxi điện cũng đang tăng lên ở các thành phố.

Ngành công nghiệp xe điện Việt Nam cũng đề ra những kế hoạch tham vọng nhằm phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho việc phát triển xe điện, bao gồm cả việc cung cấp các giải pháp sạc điện và ắc quy.

anh-1(1).jpg
Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, theo ông Hà Minh Hiệp, số lượng xe điện và ắc quy xe điện ngày càng tăng đã đặt ra những thách thức đối với các khâu sản xuất, quản lý và quản lý chất thải, đặc biệt là việc tái sử dụng và tái chế pin xe điện cuối vòng đời.

Tái chế pin mang đến nhiều lợi ích, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn mang lại lợi ích kinh tế quan trọng nhờ vào việc thu hồi các loại khoáng sản có giá trị như coban, niken, lithium...

Điều này giảm thiểu việc khai thác liên tục gây áp lực cho các chuỗi cung ứng, đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp về xe điện, cũng như góp phần phát triển bền vững ngành giao thông vận tải điện, chung tay bảo vệ môi trường. Theo ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện là một trong những giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện để hiện thực hoá các mục tiêu toàn cầu về giảm thiểu khí thải nhà kính và nâng cao chất lượng không khí.

Đánh giá cao những cam kết về khí hậu mà Việt Nam đã đặt ra, bao gồm cam kết giảm mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 20250, ông Patrick Haverman khẳng định, việc chuyển đổi sang xe điện sẽ đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình hiện thực hoá mục tiêu trên của Việt Nam.

Đại diện UNDP Việt Nam cũng đã đưa ra 3 khuyến nghị về việc xử lý pin xe điện cuối vòng đời. Trong đó, ông Patrick Haverman lưu ý, do nhu cầu về xe điện và pin xe điện tăng đồng thời, nên nhu cầu về nguyên liệu thô quan trọng cũng tăng theo. Việc tối đa hóa giá trị sản phẩm bằng cách tái sử dụng, tái sản xuất, và tái chế tất cả các thành phần liên quan rất quan trọng. Các cách tiếp cận chính sách kinh tế tuần hoàn có thể tạo cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất pin xe điện, nhà cung cấp bên thứ ba và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng công nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi này, các chính phủ có thể tạo ra một môi trường thuận lợi bằng cách phát triển các chính sách và quy định, giải quyết các nhu cầu xây dựng năng lực, củng cố khung thể chế, thiết lập mạng lưới tái chế và tái xử lý vật liệu, đồng thời khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô hiệu quả hơn.

Cuối cùng, cần thúc đẩy việc cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về quản lý pin và pin thứ cấp, nhằm tạo cơ sở kỹ thuật cho các nhà sản xuất, tổ chức tái chế và nhà quản lý nghiên cứu và phát triển phương pháp quản lý phù hợp cho giai đoạn cuối vòng đời của xe điện.

photo-2_vinfast-ev-bus.jpg
Xử lý pin xe điện vào cuối vòng đời giúp phát triển bền vững ngành giao thông điện tại Việt Nam

Theo TS Nguyễn Sĩ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đã có định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Tuy vậy, định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý pin nói chung, pin của các phương tiện xe điện nói riêng chưa được đề cập nhiều. Hiện nay, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải… Bởi vậy việc ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại là pin sau khi sử dụng, đặc biệt là từ các phương tiện giao thông… đang là yêu cầu cấp thiết.

Trong khuôn khổ hội thảo, các bên tham gia đã lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm về cách xử lý pin xe điện cuối vòng đời tại châu Âu, Nhật Bản và một số nước châu Á. Đồng thời, các bên cũng đưa ra khuyến nghị với Việt Nam. Trong đó, ông Winter Ho, Kỹ sư cao cấp của UL Solutions Taiwan, đề xuất Việt Nam nên phát triển một chiến lược để hỗ trợ việc tái sử dụng pin, bao gồm việc sử dụng các tiêu chuẩn như UL 1974 và các tiêu chuẩn IEC đang được phát triển; đồng thời Việt Nam cũng nên tham gia vào việc phát triển tiêu chuẩn quốc tế thông qua các ủy ban kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý pin xe điện an toàn với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO