Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện có hàng chục ngàn lao động. Tại đây, nhu cầu gửi con rất lớn nên nhiều năm trước các công nhân đã mong ước có một ngôi trường dành riêng cho con công nhân. Những tưởng niềm mong mỏi sẽ thành hiện thực khi Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng Trường mầm non tại phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào năm 2014. Công trình có tổng mức vốn đầu tư hơn 6,1 tỉ đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đóng góp gần 1 tỉ đồng, còn lại từ các nguồn hỗ trợ. Ngôi trường có trên diện tích 3.000 m2 với bảy phòng học, hai phòng hiệu bộ, một phòng bếp và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Thế nhưng, vào cuối năm 2017, công trình được hoàn tất và buổi lễ khánh thành cũng đã diễn ra cũng là thời điểm bắt đầu bỏ hoang.
Đến thời điểm này, sau thời gian 2 năm “đắp chiếu”, công trình đã bắt đầu xuống cấp. Khuôn viên sân trường cỏ dại mọc um tùm; các phòng học bắt đầu nhếch nhác, bụi bặm; cửa kính bị đập bể, ổ khóa cửa gỉ sét. Bên cạnh đó, trường không được khóa cẩn thận nên nhiều người thường tụ tập vào đây ăn nhậu, xả rác bừa bãi…
Chị Ngô Thùy Dương, công nhân lao động tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, hai vợ chồng chị làm công nhân tại KCN. Hàng tháng với mức lương công nhân hai vợ chồng chị phải chi tiêu tằn tiện mới đủ trang trải cuộc sống với hai con nhỏ. Thế nhưng, chị buộc phải dành một khoản tiền lớn để gửi con tại trường mầm non tư thục. Trong khi đó, ngôi trường khang trang đã được khánh thành nhưng chưa đưa vào sử dụng khiến chị thất vọng.
“Khi hay tin trường mầm non ưu tiên cho con công nhân lao động khánh thành tôi cũng hi vọng sẽ đưa các con vào học cho đỡ chi phí. Không hiểu sao chờ mãi mà trường vẫn không tổ chức nhận trẻ nên tôi rất thất vọng. Nếu không đưa vào sử dụng mà bỏ hoang như thế rất lãng phí”- chị Dương nói.
Cùng chung tâm lý như chị Dương, nhiều công nhân đang làm việc tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc cảm thấy nuối tiếc khi một ngôi trường chất lượng, an toàn với mức học phí “hấp dẫn” vẫn chưa hiện thực hóa. Các công nhân ở đây chia sẻ, họ rất mong đợi ngôi trường đưa vào hoạt động sẽ gửi con để tiết kiệm một phần chi phí.
Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho biết, sở dĩ ngôi trường được hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng là do gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trang thiết bị phục vụ nuôi dạy trẻ chưa được đầu tư, LĐLĐ tỉnh cũng không lường trước được khó khăn về mặt quản lý nhà nước, chuyên môn giáo dục.
“Đưa vào sử dụng là cả một vấn đề. Hiện LĐLĐ tỉnh đang xin chủ trương cho đấu thầu nhưng Tổng LĐLĐ chưa có văn bản đồng ý. Chúng tôi cũng mong sớm được đồng ý để tiến hành kêu gọi đấu thầu và đón trẻ vào học ngay trong năm 2019-2020”- ông Thương nói.
Nếu xin được chủ trương đấu thầu, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam sẽ giao trực tiếp cho cá nhân, tổ chức trúng thầu trực tiếp chiêu sinh. Tuy nhiên, LĐLĐ tỉnh sẽ có yêu cầu ràng buộc. Trong đó, yêu cầu được đặc biệt ưu tiên là phải tuyển sinh con em công nhân, đoàn viên công đoàn và có mức hỗ trợ học phí thích hợp. Cá nhân, tổ chức trúng thầu được quyền tuyển sinh ngoài các đối tượng quy định của LĐLĐ tỉnh khi chỉ khi thiếu chỉ tiêu.
Trong thời gian chờ đợi các cơ quan, ban ngành xem xét, phê duyệt phương án, ngôi trường tiền tỷ này vẫn đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp vì bỏ hoang và hàng chục ngàn công nhân vẫn “đau đáu” ước mong gửi con ở một nơi tin cậy.