Hải Phòng: Khôi phục ruộng hoang, làm giàu bằng nông nghiệp
(TN&MT) - Không chỉ khắc phục được hàng chục ha ruộng bỏ hoang, mà Nghị quyết và Kế hoạch của Đảng ủy, UBND xã Bắc Sơn (huyện An Dương, Hải Phòng) còn mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho cuộc sống người dân được bền vững. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Doãn Bách – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn.
PV: Xin ông cho biết tình trạng sử dụng đất trên địa bàn xã Bắc Sơn?
Ông Vũ Doãn Bách: Xã Bắc Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên 467ha, quy mô dân số là 2613 hộ. Xã có quốc lộ 5, quốc lộ 19, quốc lộ 17 đi qua, gần Khu Công nghiệp Tràng Duệ, Khu Công nghiệp An Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động việc làm sang hướng công nghiệp, dịch vụ đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân những năm gần đây.
Tổng diện tích đất phi nông nghiệp là 296ha. Tổng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang là gần 50ha, chủ yếu ở khu vực trũng, khó khăn trong việc cấy lúa.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang ruộng đất?
Ông Vũ Doãn Bách: Nguyên nhân là do thiên tai, dịch bệnh ngày càng bất thường, nạn chuột phá hoại; Vật tư, chi phí sản xuất tăng; Năng suất giá trị sản phẩm thấp; Không tìm được đầu ra để tiêu thụ sản phẩm; Một phần là do lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực khác… đã ảnh hưởng đến sức sản xuất và tình hình bỏ hoang ruộng tại địa phương.
PV: Trước thực trạng này, xã Bắc Sơn đã có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang, thưa ông?
Ông Vũ Doãn Bách: Nhằm khắc phục ruộng bỏ hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngày 21/4/2022, UBND xã Bắc Sơn ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND. Tiếp đến, ngày 2/5/2022, Đảng ủy xã Bắc Sơn ban hành Nghị quyết số 11/NQ-ĐU về khắc phục diện tích bỏ hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Mục đích của Kế hoạch và Nghị quyết nói trên nhằm khắc phục diện tích bỏ hoang tại các khu vực, xử đồng sản xuất rau, quả, nuôi trồng thuỷ sản tập trung tạo thành khu sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng thị trường, cung cấp cho các cơ sở thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện quy hoạch, kế hoạch khắc phục 20ha ruộng bỏ hoang; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây lâu năm, cây lâu năm, cấy lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản 10ha. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu khắc phục được 50% diện tích bỏ hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; Đến năm 2030, phấn đấu khắc phục hết diện tích bỏ hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tương đương chỉ tiêu chung của huyện.
PV: Kết quả đạt được sau khi Kế hoạch và Nghị quyết được ban hành là gì thưa ông?
Ông Vũ Doãn Bách: Ngay sau khi Kế hoạch và Nghị quyết được ban hành, ông Bùi Xuân Sơn (trưởng thôn 3) đã nảy sinh ý định cải tạo những khu vực ruộng bỏ hoang tại thôn 3 để thực hiện mô hình cấy lúa tập trung. Nhất trí với đề xuất của ông Sơn, UBND xã đã chỉ đạo Chi bộ thôn cùng với ông Sơn đi đến tận nhà các hộ dân có ruộng bỏ hoang để vận động và gửi phiếu xin ý kiến về việc cho mượn ruộng. Đến nay, ông Sơn đã mượn được 31ha trong vòng 4 năm để thực hiện mô hình cấy lúa tập trung. Hiện nay, mô hình của ông Sơn đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo được việc làm cho nhiều hộ dân khác.
Năm 2022, trên địa bàn xã có khoảng 96ha ruộng bỏ hoang và đến nay còn khoảng 50ha. Như vậy, kết quả rõ rệt nhất sau khi Kế hoạch và Nghị quyết được ban hành là giảm được tình trạng đất bỏ hoang, tránh lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, ngăn chặn được vi phạm về đất đai và đặc biệt hơn, là mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cuộc sống của người dân ngày càng bền vững.