Bất động sản

Hà Nội: Nhiều dự án bỏ hoang khởi động trở lại

Thùy Linh 12/11/2024 - 10:31

(TN&MT) - Sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản Việt Nam, một số dự án "bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải "cơn khát" về nhà ở cho người dân.

Đất nền dự án tăng giá mạnh

Tại Hà Nội, nhiều dự án bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại và đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong những tháng cuối năm 2024, tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường.

10a.jpg
Nguồn cung bất động sản Hà Nội đang thiếu trầm trọng.

Đầu tháng 11, thị trường đang chứng kiến sự trở lại của dự án Hanoi Melody (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) được phát triển bởi Hưng Thịnh Land. Sau 3 năm dừng triển khai, dự án nay đã hoàn thiện pháp lý và mở bán rầm rộ khoảng 800 căn hộ với mức giá 62 - 75 triệu đồng/m2. Để tạo được niềm tin với khách hàng, chủ đầu tư đã phối hợp với ngân hàng cùng giám sát việc triển khai xây dựng, bán hàng, giải ngân thanh toán và cho khách hàng vay vốn.

Ngoài dự án Melody, dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội), ít nhất 5 dự án đang triển khai sau nhiều năm "đắp chiếu". Đó là tổ hợp chung cư TSQ Land, dự án khu đô thị Trung Văn Nam Cường, dự án chung cư QMS... Tại huyện Hoài Đức, dự án Cienco 5 Tân Lập sau 15 năm bỏ hoang, chủ đầu tư đã bắt đầu dọn dẹp dự án, tiến hành xây thô nhiều block liền kề, biệt thự ...

Điều đáng chú ý, thời điểm này, giá thị trường bất động sản tăng cao, nguồn cung khan hiếm. Các chủ đầu tư khởi động xây dựng lại các dự án và chào bán với mức giá cao 2 - 3 lần so với thời điểm mở bán trước đó. Đơn cử, giá bán các căn liền kề Cienco 5 Tân Lập trước đây chỉ 45 - 55 triệu đồng/m2, thì nay giá chạm mức 85 -100 triệu đồng/m2; dự án Melody Linh Đàm 2 năm trước chủ đầu tư bán trên dưới 30 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại trên 60 triệu đồng/m2...

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, việc các dự án được khởi động trở lại cho thấy các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường. Nếu được "hồi sinh" thành công, những dự án này không chỉ mang đến cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư, mà còn góp phần giải cơn khát về nhà ở.

Việc doanh nghiệp triển khai lại dự án có thể do các quy định mới về thu hồi đất đối với các dự án "án binh bất động" . Song song đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra sôi động, góp phần giải quyết tình trạng "đắp chiếu" này. Việc tái khởi động các dự án bất động sản "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường. Tuy nhiên, những thách thức đan xen đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của phía chủ đầu tư.

Quyết tâm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án

Theo nhận định từ Bộ Xây dựng, việc tắc nghẽn những dự án bất động sản dẫn đến thiếu nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến giá bán nhà tăng cao.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện để đôn đốc việc sớm thi hành Luật Đất đai, đưa các quy định của Luật vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua cũng đã giúp tháo gỡ các vướng mắc, pháp lý của nhiều dự án bất động sản.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay vướng mắc của thị trường bất động sản chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai từ nhiều năm trước. Còn với các dự án mới, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động từ các địa phương, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, đưa hàng ra thị trường.

Đặc biệt, từ sau khi 3 Luật liên quan tới bất động sản, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu tháng 8, các giao dịch trên thị trường có phần khởi sắc hơn, chủ yếu tại các dự án quy mô, có mức giá phù hợp. Đáng chú ý, theo đánh giá từ Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng nóng giá bất động sản chỉ diễn ra cục bộ chủ yếu tại Hà Nội. Tại nhiều tỉnh thành khác, giá cả vẫn được duy trì ở mức ổn định, không có hiện tượng tăng đột biến. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chuyển hướng phát triển các dự án tại các tỉnh thành lân cận, nơi còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Hà Nội có 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội đã tháo gỡ được cho 410 dự án.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, TP. Hà Nội có nhiều dự án chậm cả chục năm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai như: Sự thay đổi trong quy định pháp luật, thủ tục pháp lý chưa rõ ràng, hoặc do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì việc các khu đất đắc địa bỏ hoang đang gây ra sự lãng phí rất lớn. Vì vậy, các sở, ngành cần cố gắng, với tinh thần quyết liệt cao nhất để phát triển kinh tế Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân.

Thời điểm này, để chuẩn bị năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có các chiến lược kinh doanh, tài chính sẵn sàng cho sự hồi phục. Các giải pháp được doanh nghiệp sử dụng như huy động nguồn vốn mới. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm để phù hợp hơn với xu hướng thị trường đặc biệt là các sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của bộ phận lớn khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều dự án bỏ hoang khởi động trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO