Xây dựng vựa lúa Cửu Long an toàn trước thiên tai

Tuyết Chinh (thực hiện)| 30/07/2020 10:48

(TN&MT) - Yêu cầu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết số 120/NQ-CP đòi hỏi nhu cầu số liệu về dòng chảy lũ, các số liệu cạn, mặn, xói lở và chế độ thủy văn thủy lực tại các vị trí xói lở rất cần thiết.

Để làm rõ những định hướng cho việc khảo sát lũ, hạn, mặn ở ĐBSCL trong tình hình mới, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đào - Liên đoàn Trưởng Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn).

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV) ở khu vực ĐBSCL do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) những năm gần đây?

Ông Nguyễn Văn Đào:

ĐBSCL với đặc điểm địa lý, địa hình của mình được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là một trong năm khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc nhất của BĐKH. Trong 18 loại hình thiên tai có nguồn gốc KTTV, có tới 11 loại hình thiên tai xuất hiện ở khu vực ĐBSCL: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, hạn hán.

Trong đó, có các loại hình thiên tai như: Bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, ngập úng do nước dâng bởi sóng, thủy triều, xâm nhập mặn, hạn hán đã lần đầu xuất hiện hoặc xuất hiện thường xuyên hơn có tác động tiêu cực đến sản xuất đời sống của nhân dân trong khu vực. Điển hình là cơn bão Linda năm 1997 đã làm hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương. Trận lũ năm 2000, đạt mức lớn nhất trong 100 năm gần đây ở ĐBSCL, làm 539 người chết, 212 người bị thương, hơn 890.000 căn nhà bị hư hỏng...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, mực nước đỉnh lũ sông Cửu Long thay đổi bất thường với xu thế ngày càng giảm, xuất hiện đỉnh lũ sớm lịch sử (như năm 2014, vào tháng 8, trong khi đỉnh lũ thường xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10), đỉnh lũ thấp nhất lịch sử (như năm 2015), mực nước lũ kết thúc sớm lịch sử (như năm 2019); xâm nhập mặn nghiêm trọng ở vùng cửa sông năm 2016 và mang tính lịch sử như năm 2020 vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Đào - Liên đoàn Trưởng Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn

PV: Thời gian qua, việc điều tra khảo sát lũ, hạn, mặn tại ĐBSCL đã góp phần vào công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với các tai biến môi trường ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đào:

Công tác điều tra khảo sát thủy văn ở ĐBSCL thời gian qua đã góp phần xác định được diễn biến của tài nguyên nước từ sông Mê Công chảy vào ĐBSCL, đáp ứng tính toán cân bằng nước và nghiên cứu quy hoạch vùng. Đồng thời, xác định được diễn biến lũ vào - ra ở các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, phục vụ tốt việc tính toán kiểm soát lũ ĐBSCL. Ngoài ra, công tác khảo sát lũ còn xác định được chất lượng nước lũ trong mùa lũ cũng như tình hình xâm nhâp mặn trong mùa cạn ở ĐBSCL.

Số liệu thu thập được đã phục vụ thiết thực cho công tác dự báo lũ, hạn, mặn, đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để các cấp ngành và nhân dân chủ động trong phòng tránh thiên tai, cũng như xây dựng các phương án để ứng phó nhanh đối với các tình huống sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển, phục vụ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với vùng ĐBSCL. Kết quả khảo sát thủy văn là cơ sở số liệu đầu vào không thể thiếu được cho các nghiên cứu khoa học, cho các mô hình tính toán về quản lý, phát triển bền vững ĐBSCL.

PV: Thưa ông, yêu cầu phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP đòi hỏi nhu cầu số liệu về điều tra khảo sát phục vụ dự báo, nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đào:

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã giao Bộ TN&MT là đầu mối rà soát số liệu, hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL; nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát; lượng cát khai thác, vị trí và thời gian khai thác phải dựa vào kết quả phân tích lượng cát về ĐBSCL theo từng năm đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhu cầu về số liệu điều tra khảo sát KTTV là không thể thiếu cho công tác dự báo lũ, hạn, mặn, công tác phòng tránh thiên tai; làm cơ sở cho các nghiên cứu khoa học, là số liệu đầu vào cho các bài toán quy hoạch phát triển kinh tế vùng, việc thiết kế công trình thủy lợi, giao thông là vô cùng lớn.

Các số liệu đó gồm có: số liệu về địa hình lòng dẫn (mặt cắt ngang, mặt cắt dọc, bản đồ đáy sông) hệ thống sông Cửu Long; số liệu về mực nước sông, lưu lượng nước và lưu lượng chất lơ lửng vào ra ở ĐBSCL; số liệu KTTV trong khu vực.

Những cánh đồng lúa ở ĐBSCL nứt nẻ, khô cằn vì hạn mặn. Ảnh: MH 

PV: Xin ông cho biết, định hướng công tác điều tra khảo sát thủy văn trong thời gian tới để phục vụ tốt cho công tác cảnh báo, dự báo thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL?

Ông Nguyễn Văn Đào:

Như chúng ta đã biết, do ảnh hưởng của hoạt động xây dựng hệ thống hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Công, chế độ lũ những năm gần đây đã có những tác động nhất định đến tự nhiên, xã hội ở khu vực ĐBSCL, nổi bật nhất là hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển.

Bên cạnh đó, lũ chính vụ trên hệ thống sông Cửu Long nhỏ (có năm lũ không vượt quá 3 m tại Châu Đốc, 4 m tại Tân Châu) đã dẫn đến hệ lụy là hạn hán ngày càng kéo dài và gay gắt, khốc liệt hơn, xâm nhập mặn có nồng độ mặn cao ngày càng lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Với điều kiện mạng lưới trạm điều tra cơ bản KTTV còn thưa và đang trong quá trình đầu tư theo Quy hoạch Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia thì công tác điều tra khảo sát KTTV là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu số liệu KTTV thực đo cho công tác dự báo KTTV và yêu cầu của các cấp, các ngành.

Vì vậy, thời gian tới, công tác khảo sát KTTV sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức đo đạc, khảo sát địa hình lòng dẫn hệ thống sông Cửu Long để có số liệu đầu vào trong việc thiết lập, hiệu chỉnh các mô hình toán thủy văn, thủy lực dự báo lũ, hạn, mặn và lan truyền chất trong sông; tạo cơ sở cho việc quy hoạch, thiết kế công trình thủy lợi, công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển cũng như các công trình, luồng lạch vận tải thủy trong khu vực ĐBSCL.

Tổ chức đo lưu lượng nước tại Tân An và Bến Lức trong mùa cạn để phục vụ dự báo hạn, mặn cho khu vực; đo lưu lượng nước trên các nhánh sông chính của sông Cửu Long nhằm xác định phân chia dòng chảy ra các nhánh của sông Cửu Long sau khi chảy qua trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), trạm Cần Thơ (sông Hậu), đáp ứng số liệu cho các mô hình dự báo thủy văn vùng cửa sông Cửu Long.

Cùng với đó, tổ chức đo lưu lượng chất phù sa lơ lửng tại các cửa sông Cửu Long đổ ra biển nhằm xác định được cán cân phù sa vào ra vùng ĐBSCL, tạo cơ sở cho các cấp, ngành đề ra biện pháp thích ứng hiệu quả.

Ngoài ra, triển khai các trạm khí tượng di động để tăng cường quan trắc, cung cấp số liệu phục vụ dự báo bão khi bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện đã xảy ra 564 điểm sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL với tổng chiều dài trên 834 km; trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng vựa lúa Cửu Long an toàn trước thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO