Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT về việc yêu cầu bổ sung nội dung Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trong Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện việc xây dựng nội dung Quy hoạch mạng lưới tài nguyên nước, gửi lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ.
Dựa trên các ý kiến góp ý đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiếp thu, giải trình trao đổi, thống nhất với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Môi trường để hoàn chỉnh nội dung Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước và lồng ghép trong nội dung Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước để trình Bộ thẩm định.
Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch sẽ tập trung vào duy trì vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia đã và đang đầu tư xây dựng; tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc danh sách trạm quan trắc tài nguyên nước đã được phê duyệt tại Quyết định 90/2016/QĐ-TTg năm 2016 về Quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên và môi trường (Quy hoạch 90); và các trạm quan trắc thuộc mạng quan trắc tài nguyên nước của các địa phương đã được phê duyệt.
Đồng thời, Quy hoạch cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung các trạm quan trắc tài nguyên nước độc lập, kết hợp với trạm thủy văn để đảm bảo việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt liên quốc gia, liên tỉnh và các nguồn nước nội tỉnh quan trọng; các trạm quan trắc mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước liên tỉnh hoặc có tiềm năng lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Toàn cảnh cuộc họp |
Theo ông La Đức Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước, Quy hoạch khí tượng thủy văn và Quy hoạch môi trường đều là những quy hoạch chuyên ngành, nằm trong quy hoạch tổng thể chung của ngành tài nguyên và môi trường.
Để tránh sự chồng chéo, lãng phí, ông Dũng cũng kiến nghị rà soát, xem xét lồng ghép các nội dung, lĩnh vực quan trắc, đồng thời, nên đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho việc đề xuất quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã đề xuất một số nhiệm vụ liên quan đến xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất; ưu tiên điều tra, đánh giá tài nguyên nước, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các lưu vực sông theo thứ tự lập quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; …
Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến đóng góp của của các đơn vị, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích, truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa. Đặc biệt, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia sẽ là một hệ thống mở, được kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ TN&MT.
Để phát huy hiệu quả vai trò của mạng quan trắc tài nguyên nước, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước - Đơn vị chủ trì xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan rà soát lại các nội dung đã xây dựng, cụ thể là việc xác định, phân loại trạm quan trắc sẽ chú trọng phát triển trong giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, phải đảm bảo 3 nguyên tắc, tiêu chí xây dựng trạm, đó là: Phải kế thừa từ các trạm, điểm và công trình hiện có; loại bỏ các trạm, điểm, công trình quan trắc không còn phù hợp; chú trọng tăng dày các công trình, điểm quan trắc, hạn chế xây dựng trạm quan trắc mới.
Đối với trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, Thứ trưởng đề nghị phải lồng ghép tối đa với trạm, điểm, công trình quan trắc của các lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường và thủy văn trên cơ sở lấy các trạm quan trắc thủy văn là nòng cốt. Đặc biệt, việc lồng ghép cần bảo đảm làm tăng hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của hoạt động quan trắc, không gây tác động xấu, làm gián đoạn hoạt động quan trắc của các mạng quan trắc thành phần khác.