Tham gia cuộc họp còn có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Đạo Cương, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9/2022, Chính phủ đã xem xét Đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và có ý kiến tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27/9/2022.
Theo đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất đổi tên dự án Luật này thành Luật Địa chất và Khoáng sản và 5 Chính sách, gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; chính sách hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; chính sách hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; chính sách hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; chính sách tài chính về địa chất, khoáng sản.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và đổi tên thành dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 9/2/2023, Chính phủ đã thống nhất đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để bảo đảm nguồn lực thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật và cân đối Chương trình năm 2023 và Chương trình năm 2024.
Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình ngày 28/2/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nhằm triển khai xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đã kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập; giao Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam chủ trì lập kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; thành lập các tiểu ban biên tập chuyên đề về địa chất, khoáng sản, kinh tế địa chất và khoáng sản; bước đầu xây dựng các điều, khoản cụ thể của dự án Luật trên cơ sở Đề cương chi tiết...
Theo Đề cương chi tiết đã được Chính phủ thống nhất, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến được kết cấu thành 12 Chương, 136 Điều.
Góp ý tại cuộc họp, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong đề cương chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản, đặc biệt trong Chương II (bảo vệ tài nguyên địa chất và khoáng sản chưa khai thác), Chương III (chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản) và Chương IV (điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản), Bộ TN&MT đã đề xuất những nội dung theo ý kiến góp ý của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.
Ông Hoàng Đạo Cương cho rằng cần quan tâm đến trách nhiệm chung để bảo vệ tài nguyên địa chất. Theo ông, di sản địa chất, thậm chí là di chỉ khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất có thể có giá trị và mang lại lợi ích về kinh tế lớn hơn khoáng sản thông thường.
Còn đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Bộ TN&MT xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở bám sát 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua. Bộ TN&MT cũng cần nhận diện những vướng mắc, bất cập, thực tiễn liên quan đến Luật Khoáng sản 2010 và các luật khác liên quan đến các nội dung như đấu giá khoáng sản, thế chấp khoáng sản… để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Địa chất và Khoáng sản hay những luật khác liên quan.
Theo đại diện này, tên dự án là Luật Địa chất và Khoáng sản, so với Luật Khoáng sản hiện hành, có thêm phần địa chất, do đó Bộ TN&MT cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bổ sung những nội hàm địa chất để đưa vào dự thảo Luật mới này.
Về phân công công việc, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng nếu giao từng Bộ thực hiện sẽ không khả thi. Bà đề xuất Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì, các Bộ, ngành khác góp ý xây dựng Luật.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, các Bộ, ngành khác tham gia góp ý liên quan đến phạm vi quản lý của từng Bộ, ngành.
Cũng góp ý cho dự kiến phân công nhiệm vụ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Nguyễn Đắc Đồng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng việc phân công đối với một số thành viên, nhóm thành viên còn chung chung, giữa một số thành viên Ban soạn thảo còn trùng lặp, như vậy sẽ dẫn đến các thành viên Ban soạn thảo khó thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả.
Ông đề nghị phân công nhiệm vụ cụ thể hơn; có ràng buộc về việc phối hợp giữa các thành viên, nhóm thành viên Ban soạn thảo không công tác cùng một cơ quan trong việc cùng thực hiện một nhiệm vụ.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cũng cho rằng Bộ TN&MT cần phân công công việc theo nhóm nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ chính do Bộ TN&MT và các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhất trí với các ý kiến về việc phân công nhiệm vụ theo nhóm vấn đề lớn hơn. Thứ trưởng giao Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để bổ sung, hoàn thiện đề cương chi tiết, kế hoạch xây dựng và phân công nhiệm vụ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản.