Chủ động nguồn nước thay thế
Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết: Nguồn nước thô được khai thác để xử lý và cung cấp cho người dân TP.HCM luôn được theo dõi chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tại trạm bơm nước thô đều có lắp đặt các thiết bị Camera giám sát liên tục (trong đó, có giám sát về các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ như DO, Amonia…) để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của nguồn nước.
Trong đó, việc ứng phó với sự cố tràn dầu đã được Sawaco lên kịch bản phòng chống từ năm 2012 bằng việc trang bị 2 hệ thống phao ngăn, thu dầu thải đặt tại các trạm bơm nước, sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố... Tuy vậy, theo Sawaco, do nguồn nước đang bị ô nhiễm nên quá trình xử lý nước cũng gặp nhiều khó khăn, phải tăng lượng hóa chất, tăng chi phí xử lý cho hoạt động cấp nước. Do đó, về lâu dài, giải pháp này cũng chỉ đáp ứng ở một ngưỡng nhất định. Nếu không có chiến lược để đảm bảo nguồn nước cấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ cung cấp nước sạch của TP.HCM.
Quy trình rửa bể lắng tại Nhà máy nước Tân Hiệp |
Ông Trần Kim Thạch cho biết, để đảm bảo nguồn nước cấp, sẵn sàng đối phó với các sự cố ô nhiễm nguồn nước, Sawaco đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, Sawaco phối hợp chặt chẽ với hồ chứa nước đầu nguồn là Trị An và Dầu Tiếng. Theo đó, khi có bất kỳ sự cố nào liên quan đến chất lượng nước phía hạ nguồn thì hai hồ chứa này ngay lập tức xả nước xuống để đẩy nguồn ô nhiễm ra khỏi khu vực lấy nước thô, đảm bảo chất lượng nước ổn định. Đơn cử, từ đầu năm 2020, độ mặn đo được trên sông Sài Gòn tại nhà máy nước Tân Hiệp nhiều thời điểm là 175mg/l (không đảm bảo cho việc sản xuất nước sạch) nên Sawaco phải thường xuyên đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước để đẩy mặn. Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, hồ Dầu Tiếng đã 5 lần thực hiện đẩy mặn.
Tiếp đó, để đối phó với trường hợp nếu sự cố ô nhiễm trên sông Sài Gòn và Đồng Nai không thể xử lý được, Sawaco đã kiến nghị được thay đổi nguồn lấy nước, trực tiếp từ hồ đầu nguồn là Trị An và Dầu Tiếng để đảm bảo việc cấp nước an toàn. Tuy vậy, phương án này đòi hỏi xây dựng đường ống dẫn nước khá tốn kém.
Cuối cùng, Sawaco đã kiến nghị xây dựng các hồ chứa điều tiết dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai có chức năng sơ lắng để đảm bảo chất lượng nước ổn định. Đồng thời, khi độ mặn dâng cao hoặc các sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ lập tức đóng hồ lại, nguồn nước trong hồ sẽ đảm bảo cung cấp cho việc sản xuất nước từ 7 - 10 ngày.
Sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước
Ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng Giám đốc Sawaco khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước cho TP.HCM. Hiện nay, Sawaco đã hoàn thiện việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2060 trình cơ quan chức năng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện. Đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng mang tính chiến lược cho tầm nhìn trên 50 năm và thời gian xa hơn trong việc đảm bảo an ninh nước sạch cho người dân TP.HCM.
Hiện nay, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy vậy, thời gian gần đây, đều có dấu hiệu ô nhiễm, trong đó, nước sông Sài Gòn ô nhiễm nhiều hơn. Cụ thể, hàm lượng hữu cơ, hàm lượng Amonia đều ở ngưỡng cao hơn Quy chuẩn 08 về tiêu chuẩn nước mặt dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Bên cạnh đó, những năm gần đây, đặc biệt những tháng đầu năm 2020, nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai còn bị nhiễm mặn tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho người dân TP.HCM.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp tổng thể giữa các ban ngành có liên quan đến công tác quản lý nước theo định hướng thống nhất quản lý, cần có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm.