Xây dựng kịch bản dự báo trong tương lai

 Chinh Tuyết| 30/07/2020 10:48

(TN&MT) - Việc dự báo lũ, hạn mặn, sóng lớn trong áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa hoạt động mạnh và dự báo sớm thủy triều rất quan trọng cho các tỉnh ven biển phía Nam.

Lũ, xâm nhập mặn sẽ “khó lường”

Theo TS. Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở Đồng bằng Nam Bộ. Hiện tại, mực đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu và Châu Đốc (trên sông Hậu) ở mức BĐ1 - BĐ 2, thấp hơn TBNN từ 0,2 - 0,4 m.

Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức cao hơn BĐ1 có nơi xấp xỉ BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2 - 0,4 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9 và xấp xỉ đỉnh lũ năm 2019.

Từ tháng 6 - 8/2020, trên vùng biển phía Nam cần đề phòng sóng cao từ 2,0 - 3,0 m do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Hiện tượng sạt lở bờ biển mặc dù không có nguy cơ cao như thời kỳ đầu năm 2020 nhưng vẫn có khả năng xuất hiện, nhất là trong các đợt triều cường.

Trong khi đó, 6 tháng cuối năm (từ tháng 7 đến tháng 12) ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18 - 21/9, 15 - 19/10, 14 - 18/11 và 13 - 17/12 với độ cao triều cường có thể trạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ.

TS. Nguyễn Văn Hồng cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp, diễn biến lượng mưa, nhiệt độ, thay đổi dòng chảy ở thượng và hạ nguồn sông Mê Công sẽ có những diễn biến bất thường. Nguy cơ lũ, ngập và xâm nhập mặn sẽ khó lường hơn trong quá khứ.

Kiểm tra đo độ mặn tại đập ngăn mặn tạm thời trên sông Hàm Luông (Bến Tre). Ảnh: Vũ Sinh

Phát triển ứng dụng dự báo lũ, xâm nhập mặn

TS. Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh, công tác điều tra cơ bản về mực nước, lưu lượng dòng chảy, mặn, bùn cát… trên dòng chính sông Cửu Long là một trong những cơ sở dữ liệu nguồn rất quan trọng, là cơ sở dữ liệu đầu vào cho các mô hình cảnh báo, dự báo về tình hình lũ, hạn mặn, môi trường ở khu vực ĐBSCL, góp phần vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương thích ứng với BĐKH.

Nguồn dữ liệu và các trạm đo đạc thủy văn, môi trường cần có sự cập nhật giữa Trung ương và địa phương. Trung ương cần xây dựng thêm các trạm hoặc bổ sung những địa phương đã có nhằm gia tăng về dữ liệu, độ chính xác.

Bên cạnh đó, phải tăng cường và định hướng công tác điều tra khảo sát, đo đạc thủy văn, môi trường trong công tác nghiên cứu tính toán thủy động lực phục vụ dự báo lũ trong điều kiện BĐKH. “Đó là điều kiện thuận lợi để các cơ quan nghiên cứu, dự báo có thể phát triển những ứng dụng nghiên cứu sát với thực tế và nâng cao độ chính xác trong dự báo, cảnh báo lũ, xâm nhập mặn”, TS. Hồng đánh giá. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng kịch bản dự báo trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO