Xây dựng khung chuyển đổi mô hình kinh tế vùng xâm nhập mặn

19/12/2017 17:11

(TN&MT) - Việc chuyển đổi mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH vùng xâm nhập mặn phải đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững. Do vậy, khung phân tích chuyển đổi mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH vùng xâm nhập mặn cần phản ánh được những rủi ro tiềm năng mà mô hình kinh tế vùng hay mô hình kinh tế hộ gia đình cần khắc phục.

Để có cơ sở cho vấn đề này, nhóm các chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nghiên cứu “Xây dựng khung phân tích chuyển đổi mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH vùng xâm nhập mặn”, trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại 1 huyện điển hình” (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Mô hình tôm - lúa ở Bạc Liêu
Mô hình tôm - lúa ở Bạc Liêu

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 8 lý thuyết về phát triển kinh tế vùng và phát triển bền vững trên thế giới và nhận định, có 2 nhóm yếu tố tác động tới chuyển đổi mô hình kinh tế vùng. Nhóm yếu tố bên trong vùng bao gồm: Địa lý và tài nguyên thiên nhiên; dân số, các giá trị văn hóa và nguồn nhân lực; khoa học công nghệ; kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đã có; trình độ phát triển kinh tế; môi trường chính sách.

Nhóm yếu tố bên ngoài vùng bao gồm: Chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước; thị trường và mối liên hệ kinh tế vùng; nguồn đầu tư từ bên ngoài; xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập.

Trong khung phân tích chuyển đổi mô hình kinh tế được đề xuất, xâm nhập mặn là yếu tố tác động trực tiếp tới chuyển đổi mô hình kinh tế vùng. Xét về khía cạnh môi trường, xâm nhập mặn gia tăng làm suy giảm thực vật bản địa, quần thể chim và các loài động vật hoang dã; suy giảm môi trường sống ở vùng đất ngập nước, suy giảm quần thể cá và thủy sản, giảm đa dạng sinh học ở động, thực vật ven sông và đất ngập nước… Các nguồn lực về đất, nước, đa dạng sinh thái đều bị tác động bởi quá trình này.

Những thay đổi tiêu cực về môi trường dẫn đến giảm giá trị thẩm mỹ cảnh quan – nguồn lợi của các hoạt động du lịch. Cả thành thị và nông thôn sẽ có biến động về số lượng và cơ cấu việc làm, suy giảm cung cấp dịch vụ kinh tế xã hội và tăng chi phí xã hội do rủi ro và thay đổi sinh kế của người dân.

Riêng ngành nông nghiệp sẽ chịu tổn thất nặng nề về năng suất, sản lượng cây, con. Sự tăng độ mặn làm người dân giảm thu nhập, giảm lựa chọn sản xuất và khả năng đi lại trên những vùng đất ngập úng. Chất lượng nước cho tích trữ, tiêu dùng sinh hoạt và thủy lợi đều xuống thấp và làm giảm tuổi thọ của cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Nông dân cũng chịu tổn thất những chi phí trực tiếp từ các vấn đề khác như sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi kém, máy móc han gỉ, đất bị nhiễm mặn, xói mòn cần cải tạo, suy giảm hệ thực vật và động vật bản địa…

Đối với ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là khu vực ven biển, các khu công nghiệp có nguy cơ cao bị ngập. vùng nguyên liệu tại địa phương vốn chịu rủi ro nên dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc; gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng và xâm nhập mặn cũng làm tăng tiêu thụ điện cho sinh hoạt và làm mát trong các ngành công nghiệp thương mại...

Tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô trong vụ đông xuân 2018-2019
Tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô trong vụ đông xuân 2018-2019

Từ phân tích các yếu tố rủi ro, các chuyên gia đã đề xuất khung phân tích chuyển đổi ở cấp độ vùng và cấp độ hộ gia đình. Đối với cấp độ vùng, lựa chọn ngành/cụm ngành phù hợp với những biểu hiện của BĐKH ở vùng đó. Quá trình chuyển đổi có thể tính tới việc chuyển đổi mức độ ưu tiên cho những lĩnh vực mới, chuyển đổi cách thức sản xuất, canh tác.

Đối với cấp độ hộ gia đình, việc chuyển đổi mô hình sinh kế gắn liền với việc lựa chọn ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, như nông nghiệp và/hoặc phi nông nghiệp cùng với chuyển đổi mô hình canh tác. Quá trình chuyển đổi cần cân nhắc cả các yếu tố bên ngoài và bên trong vùng.

Các chuyến gia cũng khuyến nghị, việc ra quyết định chuyển đổi mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH vùng xâm nhập mặn nên được xem xét dưới quan điểm mô hình kinh tế hệ sinh thái. Đó là mô hình phản ánh mối liên hệ giữa hoạt động kinh tế - xã hội với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân văn trong phạm vi vùng địa lý. Bên cạnh đó, phải đảm bảo 4 khía cạnh: hiệu quả kinh tế, thích nghi sinh thái, tiềm năng cải thiện môi trường và tính bền vững về mặt xã hội.

Khi xây dựng được mô hình kinh tế này, các địa phương có thể đạt được những mục tiêu lâu dài về duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái vùng và có sức lan tỏa, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng khung chuyển đổi mô hình kinh tế vùng xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO