Xây dựng Đề án cảnh báo sạt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi

Thanh Tùng| 10/06/2021 15:40

(TN&MT) - Sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc triển khai xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” (Đề án). Dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ được Bộ TN&MT giao chủ trì phối hợp với Tổng cục KTTV, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xây dựng Đề án "Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du Việt Nam".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện Đề án, Vụ đã triển khai xác định 6 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ để cung cấp cơ sở khoa học, phương pháp luận, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, tiêu chí xác định khu vực nhạy cảm, phân vùng cảnh báo, phân vùng rủi ro thiên tai.... Đây là các nội dung cần thiết để triển khai các nội dung liên quan đến Đề án. Các nhiệm vụ này đã được phê duyệt tại Quyết định số 512/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2021.

“Tới thời điểm hiện tại, Vụ đã triển khai họp xong Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2021. Dự kiến tiến hành thực hiện thẩm định nội dung và dự toán trong tuần tới”, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo về việc triển khai Đề án. (Ảnh chụp qua màn hình)

Để triển khai thực hiện Đề án, Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh đề xuất triển khai 4 Dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá chi tiết các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét thuộc các vùng miền núi, trung du Việt Nam phục vụ công tác phòng tránh thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại; Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi;

Lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo sớm theo thời gian thực về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại các khu vực nhạy cảm thuộc các khu vực miền núi, trung du Việt Nam; và xây dựng Trung tâm quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Căn cứ vào mục tiêu và dự kiến sản phẩm của các dự án hợp phần nêu trên, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng kiến nghị kế hoạch triển khai xây dựng Đề án cụ thể về nội dung công việc, thời gian hoàn thành và đơn vị chủ trì/phối hợp.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh chụp qua màn hình)

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục KTTV, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện KTTV và BĐKH, Vụ Kế hoạch tài chính… đã tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung Báo cáo do Vụ Khoa học và Công nghệ trình bày như: phân công đầu mối thực hiện các nhiệm vụ, nội dung cụ thể trong Đề án; tiến độ thực hiện; mối quan hệ phối hợp công việc giữa các đơn vị thuộc và những đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai Đề án nhanh chóng, đạt chất lượng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Vụ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời nhấn mạnh đến tác động của biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra liên tục hơn về tần suất, khốc liệt hơn về cường độ và khó lường hơn. Hiện tượng sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, trung du còn gây ra những thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người. Thống kê cho thấy, trong khoảng 5 năm gần đây, các hiên tai này xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đều rất quan tâm đến vấn đề này. Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các đơn vị được giao xây dựng Đề án sẽ thực sự tập trung để hoàn thành công việc, giúp đưa ra được phạm vi cảnh báo sát hơn, hiện tượng cảnh báo có độ tin cậy cao hơn, thời gian cảnh báo sớm hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các đợt thiên tai.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Đề án cần được triển khai thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tiến hành lập báo cáo ngắn gọn về kết quả các đề án, dự án, nhiệm vụ đã thực hiện có liên quan trực tiếp đến Đề án đang được triển khai tại các đơn vị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện Đề án này. Từ kết quả của giai đoạn 1, sẽ đề ra nhiệm vụ, công việc cần thực hiện tiếp theo cho giai đoạn 2.

Đánh giá cao các ý kiến tham gia tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản với trách nhiệm là Cơ quan thường trực thực hiện Đề án ghi chép đầy đủ để triển khai các công việc tiếp theo. Đồng thời, sớm xây dựng đề cương, kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.

Ngày 4/6/2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1112/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập, Cơ quan thường trực xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Theo đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án; ông Mai Trọng Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm Tổ trưởng Tổ biên tập; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan thường trực xây dựng Đề án.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đề án cảnh báo sạt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO