Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai: Phải thuận thiên với biến đổi khí hậu

T.Chinh| 13/10/2020 12:01

(TN&MT) - Muốn thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn cách nào khác là phải tìm ra giải pháp “thuận thiên”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 30.000 ha đất trồng cây ăn trái phân bố ở các huyện như Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Cù Lao Dung và TX. Ngã Năm. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây nhiều thiệt hại đến diện tích cây ăn trái của người dân. Nhằm phát huy tiềm năng, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung cũng như phù hợp với điều kiện BĐKH, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch lại các vùng sản xuất.

Nhiều diện tích đất trồng lúa tại vùng ĐBSCL đã được chuyển sang trồng xoài, cam, quýt, cà, dưa, bắp...

Sóc Trăng ưu tiên trồng bưởi, xoài, cam, quýt tại các huyện như Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú; cây vú sữa, nhãn được trồng nhiều tại huyện Kế Sách; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng đẩy mạnh việc đưa các loại cây chống chịu được với nồng độ mặn từ 3 đến 6o/oo vào trồng như dừa, sapô, mãng cầu.

Còn tại TP. Cần Thơ, trong thời gian qua thành phố đã tập trung quy hoạch lại ngành nông nghiệp với định hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định đối với từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Điển hình là chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 25.000 ha, thu hút hơn 18.000 hộ tham gia.

Cạnh đó, địa phương cũng tập trung xây dựng vùng rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; đẩy mạnh việc xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn để cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế.

Tại tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin: Là tỉnh sản xuất nông nghiệp nên khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn đã gây ra những thiệt hại to lớn. Nhằm giúp người dân thích ứng với BĐKH, tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra những mô hình sản xuất hiện quả trong điều kiện BĐKH.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, đến thời điểm này tỉnh Hậu Giang đã tìm ra được một số mô hình sản xuất phát huy rất hiệu quả như hình là mô hình trồng mãng cầu xiêm; mô hình sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ tôm,... đặc biệt gần đây người dân ở huyện Long Mỹ đã áp dụng mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ thủy sản kết hợp trồng bồn bồn tại những vùng đất thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn.

“Để thuận thiên trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH các địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ với các khoa học để tìm ra các biện pháp thích nghi hợp lý cho cộng đồng trước tác động của BĐKH; tăng cường hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm chia sẻ thông tin và kiến thức ứng phó hợp lý nhất về BĐKH”.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn

 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai: Phải thuận thiên với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO