Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm

Thanh Tùng| 04/03/2022 15:54

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3 (từ 1-5/3, từ 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4 (từ 14-19/3, từ 29/3-3/4, từ 12-17/4).

Đánh giá về hiện trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ 21-28/2, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, khu vực Nam Bộ có mưa trong ngày 21-23/2, cục bộ có nơi mưa vừa như: Long Khánh 20mm (ngày 22/2), Mỹ Tho 29mm (ngày 22/2), Vĩnh Long 21mm (ngày 23/2). Tổng lượng mưa thời kỳ qua phổ biến từ 10-30mm, có nơi cao hơn Đồng Phú 51mm, Long Khánh 38mm. Nhiệt độ cao nhất thời kỳ qua phổ biến từ 32-34 độ C.

6.jpg
Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020. Ảnh minh họa

Mực nước các trạm trên sông Mê Công xuống dần và ở mức thấp hơn TBNN (2012-2020) từ 0,05-0,9m.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,44m (ngày 26, 27/2), tại Châu Đốc 1,64m (ngày 25, 26/2), ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,2- 0,3m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu có xu thế giảm dần vào cuối tuần. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu 4,05m (23/2).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng vào cuối tuần và đang ở mức thấp hơn so với độ mặn cao nhất tháng 2/2021, riêng một số điểm đo mặn ở Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang ở mức cao hơn.

Dự báo về xu thế xâm nhập mặn trong những ngày tới, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, từ ngày 1-10/3, ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, vào ban ngày trời nắng, có nơi nắng nóng. Riêng thời kỳ ngày 3-6/3 ở khu vực ven biển Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông trái mùa, cục bộ có nơi mưa lượng khá. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 23-26 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 31-34 độ C, riêng miền Đông có nơi cao hơn 35.0 độ C.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1-1,0m.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,60m; tại Châu Đốc 1,75m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,3-0,4m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu: Trong 5 ngày đầu của thời kỳ này, mực nước triều cao nhất ngày dao động ở mức từ 3,85-3,95m; từ ngày 6/3 mực nước triều cao nhất ngày có xu hướng giảm dần, đến ngày 9/3 mực nước cao nhất ngày ở mức khoảng 3,53m.

Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Phú Quốc): Trong giai đoạn từ 1/3 - 9/3, mực nước triều cao nhất ngày tại Phú Quốc có xu hướng tăng nhẹ từ ngày 1/3 (mực nước triều cao nhất ngày 1/3 dự báo đạt 1,1m) và đạt đỉnh vào ngày 7/3 (mực nước cao nhất ngày dự báo đạt 1,2m), sau đó giảm nhẹ.

Từ ngày 1-10/3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng cao vào đầu tuần, sau đó giảm dần đến cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo mặn phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2021, riêng một số điểm đo mặn ở Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang ở mức xấp xỉ và cao hơn.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 70-90km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 45-55km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 55-65km; sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 45-55km; sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 45-50km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 60-70km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 35-45km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 45-55km; sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 35-45km; sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 35-45km.

Cấp độ rủi ro thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 1-2.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo, trong đợt mặn tăng cao từ 28/2-5/3, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020. Tình hình xâm nhập mặn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO