Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN& MT Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa có chuyến đi thực tế giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện lưu vực Vu Gia - Thu Bồn (đều nằm trên thượng nguồn, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam).
Theo đó, mực nước tại hồ A Vương là 361,9m/361,5m, đảm bảo so với mực nước quy định; mực nước tại hồ Sông Bung 4 là 215,18m/213,5m, đảm bảo so với mực nước quy định; mực nước tại hồ Đắk Mi 4 là 251,9m/251,50m, đảm bảo so với mực nước quy định.
Dung tích còn lại tại hồ A Vương (so với mực nước chết) là 122,37 triệu m3; dung tích còn lại tại hồ Sông Bung 4 (so với mực nước chết) là 125,10 triệu m3; dung tích còn lại tại hồ Đắk Mi 4 (so với mực nước chết) là 97,94 triệu m3.
Đến ngày 31/5, dung tích tại hồ Đắk Mi 4còn lại tại hồ này (so với mực nước chết) là 97,94 triệu m3 |
Theo bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN& MT Đà Nẵng), qua theo dõi số liệu lưu lượng nước về các hồ A Vương và Sông Bung 4, Sở TN&MT Đà Nẵng nhận thấy nguồn nước về các hồ từ đầu năm đến nay rất thấp. Có thời điểm lưu lượng nước về các hồ thấp kỷ lục (vào ngày 4/5/2020 lưu lượng đến hồ A Vương chỉ 2,63 m3/s và hồ Sông Bung 4 chỉ khoảng 10,2 m3/s).
Trong khi đó, do thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong mùa lũ năm 2019 nên mạch nước ngầm trong đất đá, các khe suối đã cạn kiệt, gây thiết hụt nguồn nước ngầm bổ cập vào sông. Vì vậy, nguồn nước tại hồ dự báo sẽ tiếp tục suy giảm, thiếu hụt nghiêm trọng về gần cuối mùa cạn nếu không có mưa trên hồ.
Đáng chú ý, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong tháng 6/2020, mực nước trung bình tháng trên sông Vu Gia ở mức cao hơn tháng qua, sông Cẩm Lệ ở mức thấp hơn. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ, mực nước trung bình trên sông Vu Gia ở mức thấp hơn, sông Cẩm Lệ ở mức cao hơn.
Đặc biệt, xâm nhập mặn trên các sông TP Đà Nẵng ở mức cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Độ mặn lớn nhất trên các sông ớ mức lớn hơn tháng 5 2020 từ 2 - 4‰. Tháng 6/2020, vùng hạ lưu các sông thuộc TP Đà Nẵng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi chế độ nhật triều vào các ngày 08 - 15 và 20 - 25. Các ngày còn lại chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều. Triều cường mạnh nhất có khả năng xuất hiện vào các ngày 06 - 07 và 23 - 24.
Cùng với đó, theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20 - 60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc, hạn hán có thể còn kéo dài đến hết tháng 8/2020, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực duyên hải miền Trung.
Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay, đơn vị đang cùng các Sở NN&PTNT, Xây dựng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, chủ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tập trung thực hiện Kế hoạch về dự trữ nước để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn TP mùa khô năm 2020.
Vựa rau lớn nhất của Đà Nẵng khô héo vì xâm nhập mặn |
Mục tiêu của kế hoạch này là chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và các mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; đặc biệt là đảm bảo nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh thực hiện kế hoạch nêu trên, hiện nay các cơ quan chuyên môn của Sở TN&MT Đà Nẵng đang theo dõi sát diễn biến thời tiết, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời tham mưu kế hoạch điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho hạ du.