Xâm hại cây xanh - phải xử phạt nặng!

25/09/2017 00:00

Gặp thời tiết mưa, gió nhiều cây xanh tại TP Hồ Chí Minh bị bật gốc, gãy đổ do bộ rễ bị xâm hại. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc bảo đảm an toàn cây xanh bên đường phố trở nên khó khăn. Khắc phục tình trạng này, ngoài xác định cơ chế trách nhiệm, rõ ràng việc có chế tài xử phạt nặng hành vị xâm hại cây xanh là vô cùng cần thiết...

Cách đây vài ngày, một cây xanh cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) bất ngờ đổ, đè lên một chiếc ô tô đang lưu thông. Vụ việc khiến người phụ nữ ngồi trên xe phải vào viện cấp cứu. Trước đó chỉ hai ngày, một cây xanh cổ thụ trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cũng bất ngờ đổ vào một căn nhà gần đó, gây hư hỏng nặng.

Các vụ việc trên đang gióng lên hồi chuông báo động về an toàn cây xanh, cũng như an toàn của người đi đường trong mùa mưa bão này. Điều khiến người dân bất an, lo lắng là sau khi cây xanh (đặc biệt là cây cổ thụ) bị bật gốc, người ta mới phát hiện phần lớn bộ rễ của cây đã bị cắt đứt hoặc phá hủy một phần. Đơn cử như vụ việc cây cổ thụ đường Nguyễn Thái Bình bật gốc, người dân sống tại khu vực đó cho biết, rễ cây đã bị cắt gần hết phần tiếp xúc với đất.

Hoạt động quản lý cây xanh tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều lúng túng.
Hoạt động quản lý cây xanh tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều lúng túng.

Còn đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh (đơn vị được giao quản lý nhà nước về cây xanh) nhận định, cây bị bật gốc trên đường Nguyễn Thái Bình có một số dấu hiệu bị ảnh hưởng do hệ thống công trình ngầm. Thực tế cho thấy, xung quanh bộ rễ cây cổ thụ này chi chít hệ thống cáp ngầm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan có liên quan đã khẩn trương kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh trên tuyến đường này nhằm tránh trường hợp tương tự.

Có thể thấy, việc bảo đảm an toàn cây xanh hiện nay còn nhiều điều phải bàn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết: Hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố do nhiều đơn vị đấu thầu quản lý theo từng khu vực, từng địa bàn khác nhau. Phần lớn nguyên nhân khiến cây cổ thụ bị bật gốc, gãy đổ là do bộ rễ bị xâm hại.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh ) cho biết, cây cổ thụ trên các tuyến đường đang bị hệ thống công trình ngầm như đường điện, cáp viễn thông xâm hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm lại vô cùng khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Một trong những bất cập là trong phân cấp quản lý cây xanh, cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào có quyền xử phạt hành vi xâm hại cây xanh... còn chồng chéo. Đơn cử, Sở Giao thông - Vận tải là đơn vị quản lý nhà nước về cây xanh, nhưng Sở Xây dựng mới có chức năng xử phạt về những vi phạm trong công tác xây dựng (ảnh hưởng đến cây xanh).

Theo các chuyên gia, nhằm hạn chế tình trạng xâm hại và bảo đảm an toàn cây xanh, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp có thẩm quyền, trong đó, phải có một cơ quan chịu trách nhiệm nếu để tình trạng sai phạm trong quản lý cây xanh diễn ra. Bên cạnh đó, cần xử phạt thật nặng, đủ sức răn đe đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân xâm hại cây xanh.

Theo HNMO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm hại cây xanh - phải xử phạt nặng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO