Phần xã đã xử lý xong?
Thời gian vừa qua, báo TN&MT đã có loạt bài phản ánh về hàng loạt cơ sở sản xuất đủ các ngành nghề như: ép gỗ, tái chế sắt thép, nấu lốp cao su, sản xuất bê tông … tập trung tại các khu vực: Bãi Thó, Lò Vôi, Bãi Than, ga Cổ Loa (thuộc địa bàn xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) ngày đêm xả thải bức tử môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân quanh khu vực.
Trước những vi phạm rõ ràng, gây bức xúc dư luận nhân dân, UBND huyện Đông Anh đã nhiều lần ban hành văn bản, yêu cầu xã Việt Hùng nghiêm túc tổ chức cưỡng chế di dời các công trình vi phạm. Cụ thể, tại công văn số 839/UBND – TNMT ngày 28/6/2018, huyện Đông Anh yêu cầu Chủ tịch UBND xã Việt Hùng tổ chức lập hồ sơ xử lý và áp dụng các biện pháp thuộc thẩm quyền để xử lý, giải tỏa các nhà xưởng sản xuất, công trình vi phạm do vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường. Thời gian xử lý phải hoàn thành trước ngày 25/7/2018.
Nhằm làm rõ tình hình thực tế sau hơn 4 tháng UBND huyện Đông Anh ra “tối hậu thư”, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng. Tại buổi làm việc, ông Hùng cho biết: “Từ tháng 10/2018, tôi đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với các nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc sự quản lý của UBND xã nằm trên địa bàn khu vực Ga Cổ Loa và Bãi Thó. Trong hai ngày là 6 – 7/11/2018, chúng tôi đã tiến hành cưỡng chế hàng loạt các cơ sở sản xuất vi phạm theo quyết định và kế hoạch cưỡng chế đã được ban hành. Tính đến nay, 8 đơn vị với hơn 10.000 m2 nhà xưởng đã bị tháo dỡ, đập bỏ. Hiện các đơn vị này đang tháo dỡ, thu gom nốt phần vật liệu còn lại của quá trình cưỡng chế. Như vậy, đối với hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp do xã quản lý, chúng tôi đã tiến hành cưỡng chế xong”.
Cũng tại buổi làm việc, ông Sáng còn cung cấp thêm thông tin liên quan tới hai cơ sở gây ô nhiễm nặng nề là Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thịnh Kim (thuê đất của chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh) và hộ kinh doanh gia công thép của ông Lưu Quang Hùng (thuê đất của Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI). “Đối với hai trường hợp này, UBND xã đã lập chốt công tác canh giữ 24/24h trong suốt hơn 2 tháng. Chúng tôi chỉ cho xe chở sản phẩm ra nhưng không cho xe chở nguyên liệu vào. Chính vì thế họ không có nguyên liệu sản xuất nên đã chủ động tháo dỡ nhà máy và di dời đi nơi khác. Hiện nay, hai cơ sở gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng này đã dời đi nên môi trường khu vực được cải thiện nhiều” – ông Sáng chia sẻ.
Số phận những nhà xưởng còn lại sẽ ra sao?
Để PV báo TN&MT nắm thêm tình hình thực tế, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng đã cử người đưa PV tới khu vực ga Cổ Loa và Bãi Thó để ghi nhận trực tiếp. Tại đây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt phóng viên là những đống vật liệu ngổn ngang chất thành từng đống. Hầu hết nhà xưởng tại khu vực này đã bị kéo sập và công nhân có mặt tại đây đang hối hả thu dọn những sản phẩm còn sót lại để chuyển đi nơi khác. Khung sắt và các tấm tôn cũng đang được xếp gọn lại và máy móc đã được chủ đầu tư chuyển đi. Bên cạnh đó, một số nhà xưởng khác cũng đang trong quá trình tháo mái tôn và dỡ các cột. Mặc dù quá trình diễn ra khá chậm nhưng hoạt động sản xuất gần như không có. Cả khu vực rộng hơn 10.000 m2 trông như một bãi chiến trường.
Điều đáng nói ở chỗ, sát ngay cạnh những nhà xưởng đang phải tháo dỡ, di dời thì hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng khác vẫn vô tư hoạt động như thể không có gì xảy ra. Những cột khói lớn vẫn đua nhau xả lên trời, những máy ép gỗ vẫn hoạt động rầm rập và cả khu vực vẫn hăng nồng mùi keo gỗ.
Phóng viên đem nghịch lý này hỏi ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng thì được biết: “Hiện vẫn còn 6 đơn vị làm xưởng ép gỗ thuê đất của ba công ty là: chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI. Những đơn vị này UBND xã không có thẩm quyền xử lý nên chúng tôi không thể tiến hành cưỡng chế được. Thẩm quyền thuộc về UBND huyện Đông Anh”.
Ông Sáng cũng cho biết thêm, hiện nay huyện Đông Anh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị này phải tự khắc phục các vi phạm xong trước ngày 14/12/2018. Đến thời hạn này, huyện Đông Anh sẽ quyết định việc có cưỡng chế, di dời các nhà xưởng hay không?
Để làm rõ thông tin trên, PV báo TN&MT đã liên hệ với ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh để hỏi chi tiết. Tuy nhiên ông Hiến cho rằng mình đã chỉ đạo xử lý vi phạm đất đai và đã đôn đốc xã làm xong rồi. Còn vấn đề có cưỡng chế các nhà xưởng còn lại hay không thì trách nhiệm tham mưu thuộc về Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện và phóng viên cần liên hệ để làm việc.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc