Khám sàng lọc tăng huyết áp tại cộng đồng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: CDC Hải Dương |
Đây là kế hoạch sáu năm (2020-2025) với tổng kinh phí được phân bổ là 30 tỷ VNĐ (khoảng 1,3 triệu USD). Trong đó, hoạt động trong năm đầu tiên (2020) sẽ tập trung vào phát hiện và quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường tại các trạm y tế.
Mục tiêu của tỉnh là sàng lọc tăng huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường cho trên nửa triệu người từ 40 tuổi trở lên. Về quản lý và điều trị, mục tiêu là có 70% số trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh có thể quản lý và điều trị được bệnh tăng huyết áp và con số này là 50% đối với bệnh đái tháo đường, phù hợp với mục tiêu quốc gia mà Bộ Y tế đã đề ra.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO Việt Nam cho biết: Dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ người dân khỏi các nguy cơ bệnh không lây nhiễm thông qua đầu tư vào các chương trình giúp chúng ta thực hiện được việc này. Tăng huyết áp và đái tháo đường nằm trong số các bệnh nền làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 và làm bệnh nặng hơn. Hiện tại, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đảm bảo sự sẵn có các nguồn lực để giải quyết một cách hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
"Hải Dương là một trong những mô hình tốt nhất về vận động sự cam kết chính trị cho dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm. Thử thách tiếp theo là bảo đảm sự đầu tư của tỉnh có tính hiệu quả và kinh tế cao trong giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm cho người dân Hải Dương. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hải Dương với nhiệm vụ này", Tiến sỹ Kidong nhấn mạnh.
“Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hợp tác với WHO. Chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận trong dự phòng và quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường theo hướng dẫn của WHO - tạo sự thay đổi nhỏ trên quy mô lớn” - Bác sỹ Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Theo ước tính, có khoảng 15 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, là hai bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất. Tuy nhiên, chỉ có 20-30% trên tổng số bệnh nhân được điều trị. Hậu quả là số tử vong sớm và tàn tật do bệnh không lây nhiễm rất cao.
Hải Dương là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng với 1,9 triệu dân. Giống như phần lớn các tỉnh, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù phần lớn trong số 235 trạm y tế của toàn tỉnh cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân tăng huyết áp, tuy nhiên các dịch vụ này chỉ là dịch vụ điều trị một lần.
Điều trị bệnh mạn tính đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và cải thiện hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân, và độ bao phủ của dịch vụ ở cộng đồng. Đối với bệnh đái tháo đường thì chưa có trạm y tế nào của Hải Dương cung cấp dịch vụ quản lý điều trị bệnh cho người dân.
Bên cạnh hỗ trợ kiểm soát các yếu tố nguy cơ, WHO đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm. Để giải quyết số lượng khổng lồ người bệnh không được quản lý điều trị, WHO đưa ra cách tiếp cận mới, gọi là cách “tiếp cận y tế công cộng” hướng tới tạo ra sự thay đổi nhỏ nhưng trên quy mô lớn.
Những điểm quan trọng của cách tiếp cận này là chỉ thực hiện những can thiệp cốt lõi, thiết yếu tại các trạm y tế; phân công hệ thống kiểm soát bệnh tật nhằm giám sát việc thực hiện quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế và cộng đồng; bảo đảm các khung quy định phù hợp về quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm thực hiện tại các trạm y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế theo chức năng, nhiệm vụ; theo dõi giám sát hiệu quả trên bệnh nhân và độ bao phủ trên cộng đồng; vận động sự cam kết chính trị của chính quyền địa phương.