Biến đổi khí hậu

Nắng nóng gay gắt ở châu Âu: WHO đưa ra hướng dẫn ứng phó

Mai Đan 03/08/2024 - 12:22

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết, 175.000 người tử vong mỗi năm ở châu Âu do các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ và con số đó sẽ tăng vọt trong bối cảnh hành tinh đang nóng lên không ngừng.

“Con người đang trả một cái giá đắt”, ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu nhấn mạnh, chỉ vài ngày sau khi Trái đất ghi nhận nhiệt độ trung bình nóng nhất từ ​​trước đến nay, ở mức 17,16 độ C và khi các đợt nắng nóng mùa hè khắc nghiệt tấn công khắp bán cầu bắc. Theo ông Kluge, khu vực châu Âu đã trải qua 3 năm nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 2020 và 10 năm nóng nhất kể từ năm 2007.

Nhiệt độ cao: “Kẻ giết người” hàng đầu

WHO cho hay, ở một số nơi trên thế giới, cuộc khủng hoảng khí hậu đã đẩy nhiệt độ lên mức không thể chịu đựng được. Theo WHO, trong số khoảng 489.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng mà WHO ghi nhận mỗi năm từ năm 2000 đến 2019, khu vực châu Âu chiếm 36%, tương đương mức trung bình hơn 175.000 ca tử vong.

WHO nhấn mạnh nhiệt độ trong khu vực này đang tăng nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình trên toàn cầu. Số ca tử vong liên quan đến nắng nóng trong khu vực châu Âu đã tăng 30% trong 2 thập niên qua.

image1170x530cropped-3-.jpg
Giữ mát trong đợt nắng nóng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì trẻ khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn người lớn

Theo một trong những tập dữ liệu mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) sử dụng để theo dõi khí hậu, thế giới vừa trải qua một tuần tuần với 3 ngày nóng nhất được ghi nhận trên Trái đất trong lịch sử gần đây.

Cụ thể, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết, vào ngày 22/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng ngày đạt mức cao kỷ lục mới là 17,16 độ C. Vào ngày 23/7, mức nhiệt là 17,15 độ C và ngày 21/7 trước đó, nhiệt độ kỷ lục là 17,09 độ C. Cả ba ngày đều nóng hơn kỷ lục được ghi nhận trước đó là 17,08 độ C vào ngày 6/7/2023.

Giám đốc Kluge cho biết: "Ở khu vực châu Âu, căng thẳng do nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến khí hậu trong khu vực. Nhiệt độ khắc nghiệt như hiện nay thực sự làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, bao gồm các bệnh tim mạch, hô hấp và mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến bệnh tiểu đường. Nhiệt độ khắc nghiệt mà chúng ta đang trải qua là một vấn đề đặc biệt đối với người cao tuổi, đặc biệt là những người sống một mình. Nó cũng có thể gây thêm gánh nặng cho phụ nữ mang thai”.

Đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch #KeepCool của WHO, cung cấp hướng dẫn đơn giản để giữ an toàn cho mọi người, Tiến sĩ Kluge nhấn mạnh rằng những tác động tiêu cực đến sức khỏe do thời tiết nắng nóng có thể phòng ngừa được. "Nếu chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho một khu vực nóng hơn, chúng ta sẽ cứu được nhiều sinh mạng, cả hiện tại và trong tương lai", ông cho biết.

WHO kêu gọi các biện pháp bảo vệ

WHO cho rằng chính phủ các nước cần hành động hơn nữa để giảm thiểu các cú sốc nhiệt đối với những người dễ bị tổn thương. Theo tổ chức này, hơn 20 quốc gia trong khu vực Châu Âu của WHO đã có các kế hoạch như vậy, nhưng "không đủ để bảo vệ tất cả các cộng đồng".

Đề nghị của WHO cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres về hành động để ứng phó với nhiệt độ khắc nghiệt khi ông nhấn mạnh Trái đất đang trở nên nóng hơn và nguy hiểm hơn đối với mọi người, ở mọi nơi. Ngày 25/7 vừa qua, ông Guterres đã cảnh báo nhân loại đang hứng chịu "dịch nắng nóng cực đoan" và kêu gọi hành động để hạn chế tác động của những đợt nắng nóng vốn trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với các đợt nắng nóng, WHO đưa ra hàng loạt hướng dẫn. Đầu tiên là tránh xa cái nóng: Tránh ra ngoài và thực hiện các hoạt động gắng sức khi mặt trời nóng nhất. Ở trong bóng râm và không để trẻ em hoặc động vật trong xe đang đỗ. Nếu cần thiết và có thể, hãy dành 2 đến 3 giờ ở nơi mát mẻ, như siêu thị hoặc rạp chiếu phim.

Tiếp đó là cố gắng giữ cho nhà cửa luôn mát mẻ: Sử dụng không khí ban đêm để làm mát ngôi nhà. Giảm tải nhiệt bên trong nhà hoặc phòng khách sạn vào ban ngày bằng cách sử dụng rèm hoặc cửa chớp, mở chúng vào ban đêm để thông gió cho ngôi nhà của bạn.

Ngoài ra, giữ cơ thể mát mẻ và đủ nước: Mặc quần áo nhẹ và rộng rãi, khăn trải giường mỏng, tắm nước mát và uống nước thường xuyên, tránh đồ uống có đường, có cồn hoặc có chứa caffein vì chúng sẽ gây mất nước cho cơ thể.

Đồng thời, chăm sóc bản thân và những người khác qua việc quan tâm người thân trong gia đình, bạn bè và hàng xóm, đặc biệt là người cao tuổi, nhất là khi họ ở một mình.

Hướng dẫn của Liên hợp quốc về những gì tạo nên đợt nắng nóng là "thời tiết nóng và khô bất thường hoặc nóng và ẩm có sự khởi đầu và kết thúc nhẹ, kéo dài ít nhất 2 đến 3 ngày và có tác động rõ rệt đến các hoạt động của con người".

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng gay gắt ở châu Âu: WHO đưa ra hướng dẫn ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO