Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam mới đây công bố Bản tư vấn chính sách với tiêu đề "Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam." Đây là bản tư vấn chính sách dựa trên các bằng chứng quốc tế và sử dụng mô hình mô phỏng tác động thuế để đánh giá tác động của các lựa chọn thuế khác nhau đối với sức khỏe và nền kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo, một trong những lý do khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao là do giá thành của các sản phẩm này quá rẻ bởi mức thuế thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ.
Theo thời gian, tại Việt Nam, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn bởi thu nhập của người dân tăng nhanh còn giá thuốc lá lại không theo kịp. Trong giai đoạn 2010-2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, trong khi đó giá của nhãn hiệu thuốc lá bán chạy nhất chỉ tăng 55%.
Việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc là là biện pháp hiệu quả nhất để giúp giảm tỷ lệ hút thuốc. Việc tăng thuế thuốc là sẽ đóng vai trò như một "tín hiệu giá" – khi chúng ta tăng giá thuốc lá, người hút thuốc sẽ nhận thấy họ nên tiêu thụ ít hơn hoặc bỏ thuốc. Việc sử dụng thuế thuốc lá như một đòn bẩy cũng là một biện pháp được nêu cụ thể trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Những người trẻ tuổi là nhóm nhạy cảm nhất với việc tăng giá – đây là lý do rất chính đáng cho việc tăng thuế thuốc lá. Chúng ta cần làm mọi cách có thể để bảo vệ người trẻ tuổi khỏi các sản phẩm thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine. Việc không sử dụng các sản phẩm thuốc lá khi còn trẻ giống như được tiêm một loại vắc xin bảo vệ suốt đời, bởi một người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ lớn tuổi hơn.
Để giúp các quốc gia đưa ra quyết định sáng suốt về thuế thuốc lá, WHO đã phát triển một mô hình mô phỏng tác động của thuế thuốc lá có tên là TaXSim. Mô hình này dự đoán các thay đổi về giá cả, mức tiêu thụ, mục tiêu sức khỏe và ngân sách nhà nước khi tăng thuế thuốc lá.
Mô hình TaXSim theo phương án WHO khuyến nghị cho kết quả tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 75% và áp mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 15.000 đồng tới năm 2030 sẽ giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35.8%, giảm 696.000 người nghiện thuốc lá so với năm 2020, đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Ngoài ra, phương án "mạnh tay" này sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, ước tính sẽ tăng thêm khoảng 29 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020, gấp 15 lần so với việc duy trì mức thuế hiện tại.
Theo đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính từ năm 2026, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá vẫn giữ mức thuế 75% như hiện hành và áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 5.000 đồng, tới năm 2030 là 10.000 đồng.
Theo phân tích của WHO, phương án này sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới tại Việt Nam xuống 37,5% vào năm 2030 so với năm 2020, tương đương giảm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc trưởng thành vào năm 2030 so với kịch duy trì mức thuế hiện hành. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số trong giai đoạn này có nghĩa là tổng số người hút thuốc sẽ vẫn tương tự như năm 2020. Phương án này cũng giúp tăng thêm 21,8 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm tới năm 2030.
Theo bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt nam, theo đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Thông tin về những hệ lụy của sử dụng thuốc lá nói chung và tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới như Việt Nam hiện nay, bà Hải cho biết có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, chuyên gia cho biết ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020, người Việt dành 49.000 tỷ VNĐ/năm để mua thuốc lá. Và những điều đó dẫn đến hệ lụy là tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
Phân tích nguyên nhân bà Hải cho biết, một trong những lý do chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.