Xác xơ chưa từng có
Vựa rau La Hường (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) rộng 9 ha, với hơn 50 hộ tham gia sản xuất, được xem là vùng trồng rau sạch lớn nhất TP.Đà Nẵng. Đa phần diện tích đất ở La Hường được nông dân canh tác, trồng mùng tơi, rau cải, bí đao, khổ qua, rau muống… để cung cấp cho các chợ trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng và siêu thị. Thế nhưng, tình trạng mặn xâm nhập sâu đã khiến đã khiến toàn bộ vùng rau bây giờ xác xơ chưa từng có.
Bà Hương gom rau héo chết thành từng đống để đốt bỏ |
Buồn bã gom rau héo khô thành từng đống để đốt bỏ, bà Trần Thị Thu Hương, người trồng rau ở La Hường chia sẻ: Trước đây, hằng năm, tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ đoạn qua vùng rau La Hường cũng xảy ra nhưng người trồng rau vẫn có thể khoan giếng ở vùng rau rồi bơm lên tưới rau. Song, những năm gần đây, nhiễm mặn xâm nhập sâu vào sông Cẩm Lệ và có xu hướng diễn ra sớm hơn, nhất là vào đầu năm 2021.
Nước tưới bị nhiễm mặn, cây rau không thể phát triển, héo rồi chết |
“Năm nay, mới ra Tết, nước sông đã nhiễm mặn nặng. Có hơn 1 mẫu mà bỏ nguyên 1 mẫu đấy. Tôi phải bơm nước giếng khoan lên tưới nhưng nước giếng cũng bị nhiễm mặn nên đậu bắp, mướp cứ ra trái đước 1 tuần thì héo, cháy sém rồi chết. Giờ phải đợi mưa mới bắt đầu làm lại được”- bà Hương cho hay.
Mặc dù nông dân ở vườn rau La Hường đã chuyển sang các loại cây chịu hạn như đậu bắp, mè, bí đỏ… nhưng cũng không "ăn thua". Ông Trần Sen, trú phường Hoà Thọ Đông chia sẻ: “Tôi trồng ít cây mè đây mà nắng quá, cây không lớn được. Nước sông thì nhiễm mặn, nước giếng thì nhiễm phèn đành bỏ hoang đất chứ không trồng được cây gì. Mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tạo nguồn nước ngọt tưới cho vùng rau”.
Cả vùng rau lớn nhất Đà Nẵng bị bỏ hoang do không có nước tưới |
Sớm tìm nguồn nước ngọt
Tạo nguồn nước ngọt an toàn để tưới rau ở vùng rau La Hường là vấn đề được nhiều cơ quan chức năng quan tâm trong thời gian qua để bảo đảm an sinh xã hội, đời sống cho hơn 50 hộ dân trồng rau và nguồn cung cấp rau sạch, an toàn cho thành phố.
Đặc biệt, trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, cần tính toán, nghiên cứu và đề xuất triển khai đầu tư sớm, bởi giải pháp khoan giếng đã thực hiện trong thời gian qua mà đến mùa nắng nóng thì vẫn bị nhiễm mặn.
Người dân chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn như mè, đập bắp cũng không ăn thua |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả vùng rau La Hường có 160 giếng khoan để lấy nước tưới khi nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn. Những giếng này mới có hiện tượng nhiễm mặn, chưa ảnh hưởng nhiều đến cây trồng. Hiện đơn vị đang theo dõi để kịp thời khuyến cáo người trồng rau và báo cáo các cơ quan chức năng...
Người dân rất cần chủ động nguồn nước ngọt để cứu vùng rau |
Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết: Giải pháp tạo nguồn nước ngọt để cứu vùng rau, giữ sinh kế cho người dân là vấn đề đang được địa phương quan tâm. Trước mắt, đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế quận tiến hành khoan giếng thử nghiệm ở độ sâu 25m tìm kiếm nguồn nước ngọt cho bà con.
"Về lâu dài chúng tôi mong các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có kinh nghiệm về xử lý nước nhiễm mặn hỗ trợ xây dựng các bể chứa, xử lý nước mặn sang nước ngọt để tưới rau hoặc giải pháp, công nghệ khác phù hợp để giúp người trồng rau ổn định sản xuất” - bà Phương kiến nghị.