Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai: “Lợi đôi đường” vì tạo sinh kế bền vững cho dân

Bình Minh| 03/12/2020 10:26

(TN&MT) - Hiện tại, vùng đất ngập nước trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được người dân khai thác và nuôi trồng thủy sản dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Người dân vừa được cải thiện đời sống, vừa cam kết chung tay bảo tồn thiên nhiên.

Khi ngư dân được tạo sinh kế

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên - Huế, với diện tích 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Âu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Đây là vùng đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới.

Để đảm bảo việc khai thác và nuôi trồng thủy sản ở vùng đất ngập nước hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, giảm nhẹ tác động lên các hệ sinh thái bảo tồn và lưu giữ tính thiên nhiên, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế, với sự hỗ trợ của Dự án “Bảo tồn các khu ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”, đã xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở 5 huyện trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tiêu biểu như mô hình nuôi xen ghép cá đối - tôm sú - rong câu ở xã Phú Thuận, xã Vinh Phú (huyện Phú Vang); xã Vinh Giang, xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc). 8 hộ dân đã tham gia trên diện tích 32.000 m2. Kết quả cho thấy, sản lượng tăng 8,5%, hiệu quả kinh tế tăng 12,5% so với các hộ ngoài mô hình, lợi nhuận bình quân 25 triệu/hộ. Vê môi trường, việc nuôi xen ghép các đối tượng còn giúp tận dụng thức ăn thừa, rong câu hấp thụ các chất thải trong ao nuôi làm giảm ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi và vùng đầm phá.

Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ và rô phi bằng lồng đang được triển khai ở xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) và xã Điền Hòa (huyện Phong Điền). 4 hộ dân tham gia với hiệu quả kinh tế tăng 13% so với các hộ ngoài mô hình, lợi nhuận bình quân 23 triệu đồng/hộ. Mô hình này cũng giúp làm sạch môi trường; đồng thời còn hạn chế đánh bắt cá từ tự nhiên, nhất là các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt.

Tại xã Hương Phong - Thị xã Hương Trà, 4 hộ dân tham gia mô hình nuôi xen ghép tôm sú - cua - cá đối tại rừng ngập mặn Rú Chá. Lợi nhuận bình quân đem lại là 41 triệu đồng/hộ. Việc phát triển nuôi xen ghép tại rừng ngập mặn có ba tác dụng, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa hạn chế các biện pháp khai thác hủy diệt, đồng thời người nuôi thủy sản sẽ là lực lượng giúp bảo vệ diện tích rừng ngập mặn đã trồng.

Người dân nuôi trồng thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Sẽ cam kết bảo tồn

Được tạo sinh kế, được sống dựa vào tự nhiên, hưởng lợi từ tự nhiên, người dân nơi đây cũng sẵn sàng chung tay bảo vệ vùng đất ngập nước. Người dân các xã đã tham gia ký cam kết bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Theo đó, người dân cam kết 11 điều, như: Không hành nghề các nghề khai thác cạn kiệt và mang tính hủy diệt (rà điện, xiếc điện, giã cào; cào lươn, cào hến bằng thuyền có động cơ, bằng hóa chất gây mê, chất cấm và thuốc nổ). Không khai thác thủy sản tại các vùng lõi của các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Người dân không đánh bắt các loài động vật nằm trong sách Đỏ; sử dụng lừ (lưới đánh bắt) có kích thước 2a >18 mm trong khai thác, đánh bắt các loài hủy sản trên vùng đầm phá tại khu vực cho phép trong phạm vi đầm phá. Không sử dụng hóa chất, kháng sinh nằm trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, giặt ngư cụ khai thác thủy sản.

Không cơi nới, lấn chiếm các trộ sáo làm ảnh hưởng đến luồng lạch và giao thông thủy. Không xả rác (chất thải nhựa…) ra ngoài môi trường đầm phá, không thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm môi trường đầm phá. Thu gom, đổ rác thải đúng nơi quy định.

Người dân cam kết thực hiện các hoạt động nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản theo đúng ngư trường, đúng quy hoạch của địa phương và quy định, pháp luật. Họ sẽ báo cho Ban Chấp hành chi hội nghề cá, đại diện chính quyền địa phương khi thấy các hoạt động vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản và tài nguyên đầm phá. Chấp hành tốt các quy chế, quy định quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai: “Lợi đôi đường” vì tạo sinh kế bền vững cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO