Vun trồng “cái gốc” của công việc làm báo
(TN&MT) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập báo chí Cách mạng Việt Nam, từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Đối với công việc làm báo, xưa cũng như nay, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cũng được coi là “cái gốc” quyết định chất lượng mỗi sản phẩm báo chí, uy tín, vị thế của mỗi tờ báo nói riêng, nền báo chí nói chung.
Ngày 21/6 năm nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam 98 tuổi. Song hành cùng lịch sử dân tộc, trong gần một thế kỷ vô cùng sôi động, đã có những cuộc bàn giao thế hệ. Đó là thời kỳ làm báo cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; thời kỳ chống Mỹ cứu nước; thời kỳ sau 1975 - đất nước thống nhất; thời kỳ đổi mới đất nước từ 1986 đến nay. Đương nhiên, sự phân chia thời kỳ/giai đoạn như thế cũng chỉ mang tính tương đối và cần có sự tổng kết một cách công phu, khoa học.
Chúng tôi nhận thấy đang có sự chuyển giao thế hệ một cách rõ nét. Thế hệ những người làm báo sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bàn giao cho thế hệ được sống trong hòa bình, thống nhất đất nước. Thế hệ Tổng biên tập 6X đang từng bước giao lại sự nghiệp cho thế hệ Tổng biên tập 7X, 8X. Đó là một xu thế, hợp quy luật kế thừa và phát triển. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi nền báo chí cách mạng còn non trẻ, nhiều vị Tổng biên tập mới trên dưới 30 tuổi.
Tháng 1/1950, nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ nhiệm Báo Sự thật, tiền thân của Báo Nhân dân, khi ông tròn 30 tuổi. Trước đó 5 năm, sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông đã làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Người viết bài này đã có lần mạnh dạn hỏi nhà báo Hoàng Tùng: “Vì sao lớp nhà báo, nhà văn các bác thời ấy nhiều người tài ba, nổi tiếng sớm như vậy?”. Với chất giọng hài hước, ông bảo: “Tài ba gì đâu. Hồi ấy rừng có ít cây. Cứ cây nào lớn đến đâu dùng được vào việc gì là các cụ… đem về. Còn sau này nhiều anh tài lắm, lại học hành đến nơi đến chốn. Nhưng rừng nhiều, cây nhiều, tốt lá còn phải tốt cây, phải được chọn lọc tự nhiên”.
Thế rồi theo cách nói của nhà báo Hoàng Tùng, rừng nhiều lên, cây nhiều lên. Những người cầm bút lớp sau có nhiều anh chị giỏi giang, luôn đứng ở đầu nguồn tin tức, góp phần đáng kể vào công việc của những “thư ký thời đại”. Thế nhưng khi kể tên, những người làm báo xuất sắc thì nhiều, còn xuất chúng thì quả là hiếm. Điều này nhà báo lão thành Phan Quang có lần nói vui: “Thế hệ chúng tôi lão thì đúng rồi nhưng chưa hẳn đã thành”.
Gánh nặng sự nghiệp báo chí ở những năm 20 thế kỷ XXI đang đặt lên vai người làm báo thời kỳ kinh tế, khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão. Tác động của nền kinh tế số đến các loại hình báo chí, sự đa dạng, hội tụ trong một tòa soạn đa phương tiện… đang là những tranh luận sôi nổi và sẽ còn kéo dài. Một ngày đẹp trời, chỉ cần một chiếc máy điện thoại thông minh, bạn và tôi có thể trở thành nhà báo tự do, tác nghiệp ở bất kỳ chỗ nào có “tin tức”. Công chúng đang trở thành nhà truyền thông cho chính họ; cho những cộng đồng mà họ muốn đưa thông tin, chia sẻ ý tưởng.
Như vậy, cùng với lợi thế của thời đại thông tin số mang lại, các cơ quan thông tấn báo chí phải đối mặt với thách thức số hóa. Không vượt lên, tìm cách tiếp cận bạn đọc thì dễ chạy theo mạng xã hội, mà khi đã chạy theo thì tay nhanh hơn não, không giữ được vai trò người “gác cổng” thông tin.
Đấy là nói về vai trò người đứng đầu tờ báo. Còn đối với người làm báo thì ý kiến sau đây của một nhà báo nước ngoài rất đáng để chúng ta cùng bàn thảo. Nhà báo Freedman - cựu phóng viên tờ New York Times, Mỹ, nói về tố chất của nhà báo thời hiện đại: “Nền báo chí tốt xuất phát từ những cá nhân thô ráp, không cam chịu những tư tưởng cố hữu và ý kiến của số đông; đó là những con người đơn độc, kiên trì với những điều thu hút hay làm tổn thương họ, và theo đuổi đến cùng”. Đó là Tây nói.
Còn Ta? Nói về cá nhân nhà báo, một phóng viên trả lời phỏng vấn sau khi chị nhận được giải cao Giải báo chí quốc gia: “Tôi có được thành công này là nhờ ở sự chỉ đạo của các lãnh đạo. Tôi nghĩ, phần thắng sẽ thuộc về những vị lãnh đạo biết cách sử dụng các tài năng của mình”. Một câu trả lời có vẻ khiêm cung nhưng cũng dám bộc lộ ở chỗ “sử dụng các tài năng”.
Ở trên đã nhắc tới vai trò của người lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên. Có thể nói gọn lại, đó là chăm lo công tác cán bộ báo chí. Làm sao đây để xây dựng được đội ngũ những tổng biên tập báo in, báo điện tử, những giám đốc đài phát thanh, truyền hình có tâm, có tầm, có tài, đáp ứng yêu cầu làm báo trong thời cách mạng công nghiệp 4.0?
Chỉ thị số 43-CT/TW (8/4/2020) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới đã nêu rõ: Cần “đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo” và “chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí”. Rõ ràng đây là công việc hệ trọng, cấp bách, nhằm vun trồng “cái gốc” vững vàng của công việc làm báo. Trong một bài viết quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Ðảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Ðảng.
Giống như ở nhiều lĩnh vực khác, dàn đồng ca báo chí đòi hỏi người lĩnh xướng không chỉ có chuyên môn giỏi, bản lĩnh vững vàng mà còn phải đặc biệt coi trọng tính kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp. Trong bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói về tiêu chí lựa chọn nhân sự: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc”. Đó không chỉ là tiêu chí lựa chọn, đánh giá cán bộ nói chung mà nó cũng rất đúng nếu soi chiếu vào việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ làm công tác báo chí, nhất là phẩm chất chính trị; phẩm chất, năng lực của nhà lãnh đạo quản lý báo chí, truyền thông.
Làm báo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một thử thách lớn. Trong những năm qua, phần lớn các Tổng biên tập và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí đã bắt nhịp nhanh chóng với sự phát triển của báo chí. Bởi vì bản chất của báo chí là mới, là nhanh, là điển hình, không hòa nhập nhanh là tụt hậu, là văng ra ngoài. Nhiều nhà báo giữ cương vị lãnh đạo, quản lý đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, dám đương đầu khó khăn, thách thức, có khi chấp nhận “búa rìu” dư luận, dấn thân trong công việc, trong nghề nghiệp. Niềm say mê đến quên ăn quên ngủ là dùng thông tin thật để đánh bại thông tin giả; dùng thông tin đa chiều để đánh bại thông tin một chiều. Bởi say mê mà không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ nhạt.
Đối với người làm báo chân chính bao giờ họ cũng coi trọng ngòi bút của mình, luôn trăn trở làm thế nào để bài báo hay, có tác dụng và giữ được lương tâm trong sạch. Nhà báo có thẩm quyền là do bạn đọc suy tôn, không lệ thuộc vào chức tước. Điều hạnh phúc nhất là được sống đúng là mình trong thời đại của mình. Chợt nhớ câu chuyện sinh thời nhà báo Hữu Thọ kể với chúng tôi. Trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp hai nhà báo Hữu Thọ và Lê Điền.
Khi Lê Điền báo cáo: “Thưa Anh Tô, chúng tôi mới đi thực tế về”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười thoải mái rồi nói: “Nhà báo phải dùng từ cho chính xác, tôi sửa một từ được không. Các đồng chí thường nói “đi thực tế”, nhưng nên nói đi vào đời sống. Nói thế cũng chưa hoàn toàn đúng vì, phải sống trong thực tiễn để hiểu đầy đủ thực tiễn, đời sống mà viết! “Đi” là từ ngoài vào, còn “sống” là ở trong lòng đời sống mà quan sát”.
Sống ở trong lòng đời sống. Sống đã rồi hãy viết. Đó là phẩm chất, là phong cách tác nghiệp, là thử thách sống còn và chính là hạnh phúc của người làm báo.