Vụ đường kinh tế - quốc phòng hơn 500 tỷ “đắp chiếu” ở Huế: Kỷ luật hàng loạt cá nhân

27/02/2019 14:16

(TN&MT) - Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Nam Đông - A Lưới; nhiều tập thể, cá nhân đã có sai phạm và bị cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế kỷ luật…

Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể
Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể

Liên quan đến vụ việc “Đường kinh tế quốc phòng Nam Đông - A Lưới (Tỉnh lộ 74) hơn 500 tỷ đồng đắp chiếu” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường liên tiếp thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, vừa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng một số tập thể, cá nhân.

Theo đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Dự án Tỉnh lộ 74, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2010- 2015 đã thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án, để chủ đầu tư và Ban Quản lý (BQL) dự án từ năm 2010 - 2015 thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng, dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng không sử dụng được, gây lãng phí lớn và thất thoát ngân sách Nhà nước.

Vi phạm nêu trên ảnh hưởng không tốt đến tổ chức Đảng, quân đội và tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 bằng hình thức khiển trách.

Hàng loạt cá nhân bị kỷ luật, khiển trách do sai phạm khi thi công đường 74
Hàng loạt cá nhân bị kỷ luật, khiển trách do sai phạm khi thi công đường 74

Về cá nhân, ông Trần Đình Phòng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ đầu tư dự án xây dựng Tỉnh lộ 74 (từ tháng 2/2012 đến tháng 3/2015) do chủ quan, thiếu trách nhiệm chưa kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng và quản lý dự án; đã triển khai thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng dẫn đến công trình kém chất lượng. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Đình Phòng bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Ngô Tăng Định - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng BQL Dự án đường 74 (từ năm 2009 đến 2012), Trưởng BQL dự án (từ năm 2012 đến 2016), hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên Huế bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thi hành kỷ luật cảnh cáo. Ông Định đã chưa kịp thời tham mưu cho chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án; triển khai không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng dẫn đến công trình kém chất lượng. 

Đối với các trường hợp gồm ông Phạm Lệ Thúy, nguyên Trưởng ban Tài chính Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên BQL Dự án đường 74 từ năm 2002- 2007; ông Trần Đức Thành, trợ lý công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên BQL Dự án đường 74 phụ trách công tác kỹ thuật từ năm 2002- 2009; ông Lê Quang Bình, Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên BQL Dự án đường 74 từ năm 2002 đến 2012; ông Phạm Quảng Bình Long, nhân viên kế toán Ban Tài chính Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên BQL dự án từ năm 2009 đến 2012, UBKT Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã biểu quyết quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên, do quá thời hiệu xử lý nên UBKT Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế không quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với những trường hợp trên theo thẩm quyền.

Những bao xi măng nằm từng đống, cỏ dại phủ đầy tuyến đường
Những bao xi măng nằm từng đống, cỏ dại phủ đầy tuyến đường

UBKT Tỉnh ủy yêu cầu các ông: Thúy, Thành, Bình và Long nghiêm túc kiểm điểm bản thân và tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện khắc phục những vi phạm, khuyết điểm của các chủ đầu tư, BQL Dự án xây dựng Tỉnh lộ 74, báo cáo kết quả thực hiện cho UBKT Tỉnh ủy trước ngày 30/3/2019.

Được biết, trước đó, UBKT Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật (cảnh cáo) đối với Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Kết luận của UBKT Trung ương chỉ rõ: “Trong thời gian giữ chức vụ UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (từ tháng 4/2005 -1/2012), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện Dự án Tỉnh lộ 74 dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, quân đội và cá nhân…”.

Tuyến đường cũng là nơi dành cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại
Tuyến đường cũng là nơi dành cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, đường kinh tế - quốc phòng Nam Đông - A Lưới có chiều dài khoảng 50 km nối liền hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường này với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Sau khi hoàn thành, dự kiến đây là một trong những công trình giao thông huyết mạch, quan trọng nhất nối liền giữa hai huyện Nam Đông và A Lưới, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh tại địa bàn và trong khu vực. Thế nhưng, thi công được một thời gian thì dự án bỗng dừng lại.

Theo ghi nhận của PV, hầu như cả đoạn đường hiếm có đoạn bằng phẳng, nhiều tảng đá to nhỏ nằm trên đường khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn. Hai bên đường, hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy đã bị sạt lở, sụt lún. Nhiều cây cầu với thiết kế 2-3 dầm trụ đã được xây dựng. Máy móc bị núi lở vùi lấp; vật liệu như xi măng, sắt thép nằm từng đống, gỉ sét...

Con đường có ý nghĩa quan trong nhưng hiện chưa biết khi nào mới được thi công lại...
Con đường có ý nghĩa quan trong nhưng hiện chưa biết khi nào mới được thi công lại...

Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” nằm án ngữ bên đường, cỏ dại mọc xung quanh trâu  bò phóng uế bừa bãi. Khung cảnh đìu hìu hoang vắng. Người dân thông tin, kể từ khi dự án ngừng thì việc khai thác gỗ lậu qua đoạn đường 74 trở nên khó lường hơn…

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện taị vẫn chưa rõ ai sẽ là chủ đầu tư tiếp theo của dự án trên dù trước đây Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đảm nhiệm đầu tư (từ 2015 trở về trước).

“Hiện nay, Quân khu 4 đã thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực để khảo sát đánh giá, thiết kế xong dự án và đang chờ Bộ Quốc phòng phê duyệt, thời gian thi công lại vẫn chưa rõ. Chúng tôi mong muốn con đường vẫn sẽ tiếp tục thi công để tạo ra mạng lưới giao thông miền núi, giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, và tránh thất thoát tài sản, lãng phí tiền bạc của nhà nước…” - Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế chia sẻ với PV.

Cũng liên quan đến con đường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới và ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đều chung mong muốn con đường sẽ được thi công trở lại để sớm hoàn thiện, qua đó giúp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho hai địa phương và của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ đường kinh tế - quốc phòng hơn 500 tỷ “đắp chiếu” ở Huế: Kỷ luật hàng loạt cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO