Liên quan đến vụ việc các rừng phòng hộ tại huyện A Lưới và huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) liên tiếp bị “chảy máu” nghiêm trọng bởi lâm tặc tấn công trong thời gian qua, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Võ Văn Dự - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, quan điểm của Sở là phải có trách nhiệm và xử lý các vụ việc phá rừng vừa xảy ra một cách nghiêm túc, khẩn trương và kịp thời nhất...
Theo ông Dự, Sở luôn xác định mục tiêu trọng điểm là giữ cho được rừng tự nhiên, xem đó là ưu tiên hàng đầu vì không gì có thể thay thế được đa dạng sinh học. Trước đây lực lượng bảo vệ rừng mang tính phân tán, chủ nào lo chủ nấy; thời gian qua Sở NN&PTNTđã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung mọi nguồn lực như kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách... thành các cứ điểm để bảo vệ cho bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện còn trên địa bàn tỉnh.
“Các vùng trọng điểm như đầu nguồn Tả Trạch, đầu nguồn Hữu Trạch, đường 71, đường 74, đầu nguồn hồ Hương Điền các khu rừng đầu nguồn Nam Đông, A Lưới...đã có cơ chế phối hợp chặt chẽ; mỗi cứ điểm như vậy từ 20 - 25 người. Toàn tỉnh có khoảng gần 300 kiểm lâm. Cũng phải thừa nhận rằng diện tích rừng quá rộng, tuy vẫn có tình trạng người dân, lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ nhưng các vùng rừng đó vẫn được bảo vệ khá tốt. Nhờ thế ở Huế không có điểm nóng về phá rừng, chỉ có vài tụ điểm nhỏ mà thôi...”- ông Dự nói.
Ông Dự cũng cho rằng vừa qua, hai vụ phá rừng phòng hộ liên tiếp ở huyện A Lưới và huyện Phú Lộc là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí và ông hoan nghênh điều đó, bởi việc cung cấp thông tin phá rừng cho những người làm công tác quản lý là rất quý báu. Từ thông tin ban đầu đó, Sở có thể vào cuộc phối hợp các đơn vi liên quan nhanh chóng giải quyết sự việc một cách chính xác, thấu đáo...
“Nhận được thông tin 2 vụ phá rừng với quy mô lớn như vậy, Sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý xem xét các điều kiện, trách nhiệm và nếu đúng quy định pháp luật thì phải xử lý kỷ luật nghiêm. Kết quả là ông Lê Văn Thoại- Đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ ở huyện A Lưới đã bị cách chức. Còn 2 trạm trưởng ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Lộc Hòa và Trạm trưởng Trạm Xuân Lộc ở huyện Phú Lộc thì bị đình chỉ công tác, kiểm điểm trách nhiệm...”- ông Dự thông tin.
Bàn về những giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ rừng sau khi để xảy ra sự việc “chảy máu” rừng, theo ông Dự lâu nay đã có nhiều biện pháp và bây giờ cần hoàn thiện hơn. Đặc biệt tập trung các giải pháp như tăng tần suất kiểm tra rừng; sử dụng máy tính bảng để phản ánh các hiện tượng bằng hình ảnh, tọa độ địa lý và thời gian ghi nhận... để khi báo chí hay cấp ngành đó cần thì có thể cung cấp; tăng cường vai trò của hai đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng trong việc chủ động nắm tình hình và thực hiện tổ chức các hoạt động truy quét các đối tượng phá rừng, có thể phối hợp với chủ rừng, hoặc chủ động để bảo đảm luôn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương (cấp xã, huyện) trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng tích cực bảo vệ rừng...
Như đã phản ánh, thời gian qua tại các tiểu khu 297 (xã Phú Vinh) và 311(xã Hương Phong) thuộc rừng phòng hộ A Lưới và tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa) thuộc rừng phòng hộ Phú Lộc đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc nhiều cây gỗ quý lâu năm.
Cụ thể, tại tiểu khu 311 ở khu vực đỉnh núi là cảnh nhiều cây gỗ lớn, có đường kính 0,5-1m bị cưa trơ gốc, gỗ nằm rải rác khắp nơi. Nhiều cây đã bị xẻ thành tấm, chờ mang ra ngoài. Bên cạnh đó, những vật dụng như can đựng nguyên liệu, dao chặt... được lâm tặc bỏ lại với nhiều dấu tích còn mới.
Ở tiểu khu 297 trong bán kính khoảng 100m, hơn 20 gốc cây cổ thụ quý bị chặt hạ, trong đó chủ yếu là dổi, quế rừng, chò... Trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi, lâm tặc đốn hạ hàng chục cây để làm hành lang 2 bên đường. Hơn thế, lâm tặc còn “đầu tư” làm một cây cầu khỉ để vận chuyển gỗ qua chỗ sạt lở…
Còn tại khe Đá Mài thuộc tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc), nhiều cây gỗ lớn trong đó có gỗ quý như lim, dẻ đỏ, dẻ trắng, lêu hêu, sến tía, trường, dâu... có đường kính khoảng 0,5- 0,8m; 0,5- 1m bị cưa trơ gốc. Trong đó, nhiều cây đã được xẻ thành phẩm, một số đã được vận chuyển ra khỏi bìa rừng tiêu thụ. Để tồn tại lâu dài, “lâm tặc” đã dựng nên các lán trại làm “đại bản doanh”. Gỗ được xẻ ngay tại chỗ trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi...
Chia sẻ thêm với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay để xảy ra tình trạng phá rừng là điều đáng tiếc nhưng ông cũng nói rằng do diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh quá lớn, trên 300.000ha và trải dài trên tất cả 9 huyện, thị xã và thành phố nên khó kiểm soát hết...
“Khi mình làm chỗ này mạnh thì rò rỉ ở chỗ khác. Hiện lực lượng kiểm lâm tỉnh cũng tăng cường lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để phối hợp với các đơn vị rà soát tại các khu vực rừng có trữ lượng gỗ lớn tại khu vực thượng ngồn sông Hương và sông Bồ, qua đó ngăn chặn triệt để nạn phá rừng tự nhiên ở khu vực này”- ông Tuấn nói.