Mặc dù mới chuẩn bị bắt đầu đối diện với mùa mưa thứ 2 đối với đoạn tuyến 65Km xuất phát từ nút giao thông Túy Loan (TP. Đà Nẵng) và kết thúc tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và là mùa mưa thứ nhất đối với đoạn tuyến 74,2 Km từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi vừa được thông xe (ngày 2/9). Tuy nhiên, những ngày qua, trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, đến nay công tác sửa chữa hư hỏng "đã hoàn thành". Trước đó, ông Thành nói rằng, nguyên nhân hư hỏng nói trên có thể do nguồn gốc vật liệu thảm ở một số mẻ không đảm bảo, do tác động của lưu lượng xe quá tải lớn, trong đó có cả xe quá tải lưu thông dưới trời mưa, hoặc do dầu diezen từ xe gộ chảy xuống nền đường...
Ông Thành cũng khẳng định, nguyên nhân hư hỏng không phải do chất lượng công trình. Nhưng lại nói rằng, chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10 điểm chất lượng. Về các nhà thầu, đơn vị thi công tham gia dự án đoạn hư hỏng này, ông Thành đã từ chối cung cấp tên tuổi với báo chí vì đây là các đơn vị lớn trong thi công cao tốc và nguyên nhân hư hỏng không phải do chất lượng nên không thể công bố.
Trong khi đó, Kỹ sư Trần Dân - Phó Chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng, tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng mà đã xuất hiện "ổ gà" là khó chấp nhận. Nếu các vết hư hỏng này không được khắc phục kịp thời thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Kỹ sư Trần Dân cho biết thêm, các thành viên của hội sẽ đi thực tế tìm hiểu về những vết hư hỏng trên cao tốc. Từ đó, sẽ đánh giá, nhận xét và góp ý về đối với dự án này. "Các cơ quan chức năng cũng cần tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến các vết hỏng để có cách khắc phục. Bộ GTVT cần sớm vào cuộc để xem xét quá trình thi công cao tốc theo đúng quy định..."- ông Dân kiến nghị.
Qua trao đổi, nhiều chuyên gia cầu đường khác từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng cho rằng, cao tốc hư hỏng sớm như vậy là "rất lạ". Theo Kỹ sư Mai Công Sơn (TP. Đà Nẵng), các công trình giao thông khi nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng phải đạt tối thiểu 7/10 điểm. Nhưng Ban Quản lý dự án này nhận rằng công trình chỉ đạt 6/10 (Báo TN&MT đã có bài phản ánh: Chất lượng Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chỉ đạt ở mức… “điểm 6”), trong khi công trình trong thời hạn bảo hành là khó chấp nhận, có vấn đề.
"Đại diện dự án nói chất lượng công trình chỉ đạt mức trung bình là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng thì khó thuyết phục. Công trình cao tốc ở nước ta đang được thiết kế, thi công, nghiệm thu theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Tiêu chuẩn này tương đương với tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ nhưng hệ số an toàn cao hơn từ 1.2 - 1.6 lần. Do đó, lỗi hư hỏng không phải do thiết kế...
Nếu đúng tiêu chuẩn hiện hành theo TCVN 9436:2012 - nền đường thi công và nghiệm thu; TCVN 8859:2011- móng cấp phối đá dăm, vật liệu thi công và nghiệm thu; TCVN 8819:2011 - mặt đường bê tông nhựa - thi công và nghiệm thu... thì cao tốc sẽ không xuất hiện các ổ gà như vậy..."- Kỹ sư Sơn cho biết thêm.
Trong một diễn biến khác, sáng nay (11/10), ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3, Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT) cho hay, vừa dẫn đầu đoàn công tác vào làm việc với Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) và Ban Quản lý dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về việc tuyến cao tốc này hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu mà báo chí phản ánh rầm rộ những ngày qua.
Theo đó, tổ công tác đã ghi nhận và xác định, về mặt đường xuất hiện nhiều hư hỏng dạng ổ gà nằm trên tuyến cao tốc, cá biệt, nhiều vị trí ổ gà sâu như Km45+40 (PT), Km47+40 (PT).... Cầu VD07 mặt đường bị lún mố phía Bắc nên có nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Thời điểm kiểm tra, trên đoạn tuyến này chưa cắm biển cảnh báo cho phương tiện biết giảm tốc độ, phòng ngừa.
Về công tác sửa chữa mặt đường, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo sửa chữa, vá hư hỏng. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, công tác này chưa được tiến hành đúng quy định, theo đó, các đơn vị chỉ cắm cọc cao su cảnh báo tại vị trí đầu vá, không có biển cảnh báo, có người hướng dẫn giao thông nhưng không đúng quy định tối thiểu như thiếu gậy, còi, băng đỏ...
Tại thời điểm kiểm tra, Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, khi mặt đường xuất hiện hư hỏng mất an toàn giao thông yêu cầu VECS khẩn trương lắp đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm. Ban Quản lý dự án khẩn trương vá tạm các điểm hư hỏng để đảm bảo giao thông, vá triệt để các điểm hư hỏng theo đúng hồ sơ thiết kế trước ngày 20/10/2018, có phương án sửa chữa mặt đường khi mùa mưa đến.
Cùng với đó, Cục Quản lý đường bộ 3 yêu cầu, các đơn vị sửa chữa phải bố trí biển báo, người hướng dẫn giao thông đảm bảo quy định để an toàn cho phương tiện tham giao thông trên tuyến cao tốc. "Trường hợp mất an toàn giao thông hoặc có tai nạn xảy ra, VECS và các đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT và trước pháp luật", biên bản kiểm tra ghi.