Vụ 3 công nhân thiệt mạng tại Công ty Hào Dương: Lỗi tại người đã chết?

09/04/2015 00:00

(TN&MT) - Khép lại phiên tòa sơ thẩm vụ "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động" xảy ra tại Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Cty Hào Dương)...

 

(TN&MT) – Không còn tình tiết “kỹ sư người Trung Quốc”, ông Tăng Văn Đức (Chủ tịch HĐQT Cty Hào Dương) không có mặt tại tòa, người duy nhất chịu trách nhiệm trước pháp luật chỉ là bị cáo Trịnh Thị Phương Mai – làm thuê cho Cty của ông Đức…Đó là những điều phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường online ghi nhận tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM sáng ngày 9/4.

Khép lại phiên tòa sơ thẩm vụ “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động” xảy ra tại Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Cty Hào Dương) sáng ngày 9/4 với nhiều tình tiết khá bất ngờ.

Phiên tòa sáng ngày 9/4 chỉ có 1 bị cáo duy nhất là người làm thuê – bà Trịnh Thị Phương Mai, nguyên Phó giám đốc Cty Hào Dương
Phiên tòa sáng ngày 9/4 chỉ có 1 bị cáo duy nhất là người làm thuê – bà Trịnh Thị Phương Mai, nguyên Phó giám đốc Cty Hào Dương

Hơn 8 giờ sáng nay, phiên tòa bắt đầu. Phóng viên báo chí loay hoay tìm ông chủ Cty Hào Dương nhưng không thấy ông này dự tòa. Những người “làm thuê” cho ông Tăng Văn Đức là: ông Trương Hải (Giám đốc), ông Lê Đức Thuận (Phó giám đốc) dự tòa với danh nghĩa người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Phiên tòa có duy nhất 1 bị cáo là bà Trịnh Thị Phương Mai (thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bà Mai là Phó Giám đốc Cty Hào Dương).

Tại phiên tòa, Chủ tọa công bố nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.HCM. Theo nội dung cáo trạng: Cty Hào Dương có trụ sở tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Ngày  24/4/2013,  kỹ sư Nguyễn Minh Tuân  báo cáo lãnh đạo cấp trên phụ trách về môi trường là bà Trịnh Thị Phương Mai về việc đường ống dẫn bùn từ bể lắng sang bể thu gom bị nghẹt và đề xuất phương án xử lý bằng cách: gắn đường ống nước sạch vào ống dẫn bùn bị nghẹt, sau đó dùng áp lực nước do máy bơm tạo ra để đẩy bùn ra. Sau khi nghe báo cáo  bà Mai đồng ý phương án này và yêu cầu kỹ sư Tuân thực hiện công việc. Đến 9 giờ cùng ngày, kỹ sư Tuân xuống hiện trường phân công Nguyễn Văn Dủ, Huỳnh Thanh Tài và Trần Quốc Trí cùng thực hiện. Quá trình làm việc đến khoảng 10 giờ 15 phút cùng ngày, đường ống dẫn bùn bị nghẹt đã được các công nhân xử lý thông.  Lúc này, công nhân Tài xuống bể thu gom bùn bằng thang tre để tháo đường ống nước ra nhưng khi tháo được một số bulong thì khí đọng và nước thải từ phía bên hồ lắng chảy qua đường ống dẫn bùn sang hố thu gom bùn làm Tài bị ngạt thở nên leo lên đến khoảng giữa thang tre thì bị ngã xuống bể. Tuân thấy vậy đã xuống bể cứu Tài lên nhưng Tuân cũng bị ngạt thở, ngã xuống bể. Dủ phát hiện liền tri hô thì được Lê Phát Tài làm việc gần đó chạy lại và xuống bể cứu Tuân và Huỳnh Thanh Tài nhưng Lê Phát Tài cũng bị ngạt thở và ngã xuống bể. Tai nạn đã làm chết 3 công nhân tại bể thu gom bùn.

Kết luận giám định pháp y cho thấy nguyên nhân dẫn đến các nạn nhân tử vong là do hít sặc bùn. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, bà Trịnh Thị Phương Mai bị truy tố về  tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động”.

Hiện trường vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân thiệt mạng tại Cty Hào Dương
Hiện trường vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân thiệt mạng tại Cty Hào Dương

Bản cáo trạng cũng công bố lời khai của ông chủ Tăng Văng Đức. Qua đó, ông Đức khai nhận là đã bổ nhiệm chức năng, quyền hạn cụ thể cho từng thành viên trong ban giám đốc Cty. Hai ông Trương Hải (Giám đốc) và Lê Đức Thuận (Phó giám đốc) thì khai rằng đã làm tròn chức năng, nhiệm vụ được giao, bà Mai đã không báo cáo công việc cho giám đốc nên ông Hải, ôngThuận đã không thể kiểm tra, giám sát được. Bà Trịnh Thị Phương Mai khai rằng trong vụ tai nạn, bà Mai đã giao nhiệm vụ cho kỹ sư Nguyễn Minh Tuân (đã thiệt mạng trong vụ này)…

Viện KSND đã cáo buộc rằng bà Mai phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn, cụ thể là bà Mai đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phân công công nhân làm việc nơi nguy hiểm nhưng không xây dựng biện pháp an toàn và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, phương tiện cấp cứu cho người lao động…

VKS cho rằng 3 công nhân (đã tử vong) khi tiến hành công việc đã không thực hiện đúng các nội quy, quy định về an toàn lao động.
VKS cho rằng 3 công nhân (đã tử vong) khi tiến hành công việc đã không thực hiện đúng các nội quy, quy định về an toàn lao động.

Đáng lưu ý là VKS cho rằng 3 công nhân (đã tử vong) là Huỳnh Thanh Tài, Nguyễn Minh Tuân và Lê Phát Tài khi tiến hành công việc đã không thực hiện đúng các nội quy, quy định về an toàn lao động và gia đình 3 nạn nhân này đã viết đơn bãi nại không thắc mắc khiếu nại gì về sau!.

Kết thúc phiên tòa, bản án tuyên bà Trịnh Thị Phương Mai 3 năm tù (cho hưởng án treo) với tội danh “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động”.

VKS cho rằng gia đình nạn nhân đã “viết đơn bãi nại không thắc mắc khiếu nại gì về sau”
VKS cho rằng gia đình nạn nhân đã “viết đơn bãi nại không thắc mắc khiếu nại gì về sau”

Như vậy, bản án đã tuyên “bỏ qua” tình tiết mà bà Mai đã nêu trước đó trong phiên tòa sơ thẩm (đã hoãn) trước đây là có 1 kỹ sư người Trung quốc “ở lậu” tại Cty Hào Dương chỉ đạo nhóm công nhân trong vụ tai nạn. Bản án cũng “bỏ qua” tình tiết mà cáo trạng của VKS có nêu là kết luận của Đoàn kiểm tra tai nạn lao động TP.HCM.

Theo kết luận của Đoàn kiểm tra tai nạn lao động TP.HCM: Nguyên nhân gây tai nạn lao động dẫn đến 3 người tử vong là do công nhân làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, không trang bị phương tiện cấp cứu…Đoàn kiểm tra cũng kết luận vi phạm Điều 100, Điều 101 Bộ luật Lao động và Điều 13 Nghị định 06/CP…

 

Bài & ảnh: Tân Châu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 3 công nhân thiệt mạng tại Công ty Hào Dương: Lỗi tại người đã chết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO