VNREA “hiến kế” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thùy Linh| 29/04/2020 09:39

(TN&MT) - Hiệp hội bất động sản VN (VNREA) cho biết, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng. Việc chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân đang làm cho thị trường càng khó khăn hơn.

Ngày 28/4, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sút

Theo đánh giá của VNREA, việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn, với sự tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, phá sản, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh.

Mặc dù các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động có nhiều biện pháp để chủ động khắc phục khó khăn nhưng bên cạnh đó, cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn hiện nay.

VNREA kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn do công trường phải dừng thi công; vật tư xây dựng trong nước cũng như nhập khẩu bị gián đoạn. Nhu cầu khách hàng mua giảm, đặc biệt trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc bán hàng "cắt lỗ" của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng, làm cho thị trường càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành. Trước khi chưa có dịch Covid-19 các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Quốc gia, cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án, thu hút một số lượng lớn du khách trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm sút dự báo lên đến gần 90%, phần lớn các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Dự báo trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 - 70% cho năm 2021.

Đối với bất động sản đầu tư kinh doanh cho thuê bất động sản như trung tâm thương mại; toà nhà văn phòng… cũng bị thiệt hại nặng nền do tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Các hoạt động kinh doanh, bán hàng bị đình trệ, gián đoạn, dẫn đến số lượng hợp đồng cho thuê mới hầu như không có, các đơn vị thuê trả lại mặt bằng cho thuê nhiều vì kinh phí không trang trải đủ, hầu hết các cơ sở cho thuê văn phòng, thương mại phải giảm giá từ 30 - 50% tiền thuê trong thời gian chống dịch Covid-19.

Sớm “giải cứu” các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA cho rằng, để “giải cứu” cho các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan cần xem xét đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về tín dụng, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ. Hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Về lĩnh vực thuế, do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng đối với tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì vậy cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch.

Bên cạnh đó, đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 01 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động.

Giảm mức ký quỹ dự án đầu tư bởi theo quy định của Luật đầu tư 2014, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1 - 3% vốn đầu tư của dự án. Số tiền này là rất lớn, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Vì vậy, kiến nghị cho phép các Nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện các dự án....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VNREA “hiến kế” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO