Theo đó, để giải quyết hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo công tác quản lý tại điểm mỏ sau khai thác; Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc yêu cầu các cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hoàn nguyên, phục hồi cải tạo môi trường và đóng cửa mỏ khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực .
Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho rằng, việc khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách, giải quyết việc làm. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường, đất, đá, cát, sỏi theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Tuy nhiên, thời gian qua việc chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bản tỉnh còn chưa nghiêm, chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác; đặc biệt là việc thực hiện nghĩa vụ”Đóng cửa mỏ, phục hồi cải tạo môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực” theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010.
Trong khi đó, hiện tượng khai thác trái phép diễn biến phức tạp gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện vận chuyển quá tải trọng làm hư hỏng các tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân, gây khó khăn cho công tác quản lý khối lượng, trữ lượng khoáng sản, thuế, sử dụng đất đai tại điểm mỏ sau khai thác.
Trước thực tế đó, Sở TN&MT Vĩnh Phúc yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà chưa bị chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiêm việc lập và thực hiện đề án đóng cửa mỏ ngay sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định.
Cụ thể, khi Giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không được phép khai thác. Mọi hoạt động khai thác sau khi hết hiệu lực giấy phép; tổ chức,cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 73 Luật khoáng sản. Trên cơ sở đó, sớm thực hiện nghiêm việc Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có đề án đóng cửa mỏ thì ngay sau khi Giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực không quá 30 ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định và báo cáo UBND tỉnh lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác.
Cùng với đó, khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá huỷ.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 58 Luật Khoáng sản.
Sở TN&MT lưu ý, các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm việc lập đề án, thực hiện đề án và Đóng cửa mỏ, hoàn nguyên, phục hồi cải tạo môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm nghiêm theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ và sẽ không được xem xét để được làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản lần sau nếu có.
Các tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực song đến nay không có đề án đóng cửa mỏ phải khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ; hoàn nguyên, phục hồi cải tạo môi trường theo phương án được duyệt.
Sau ngày 30/8/2019 tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực vẫn không lập đề án đóng cửa mỏ, hoàn nguyên, phục hồi cải tạo môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và chủ động đề nghị UBND tỉnh tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định pháp luật.