Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh

01/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến...

 

(TN&MT) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris (Pháp) ngày 30/11.

Đây được xem là một nỗ lực toàn diện của Việt Nam đóng góp vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị COP21 - Ảnh:TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị COP21 - Ảnh:TTXVN

Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, chung tay cùng cộng đồng quốc tế cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra.

“Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho rằng, chúng ta có mặt tại Hội nghị COP 21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG). Việc triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020.  

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.

“Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị COP 21, Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có quyết tâm cao để cùng đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm chung tay đối phó với biến đổi khí hậu.

" Tôi muốn nói đến hai thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là khủng bố và thảm họa do biến đổi khí hậu. Chúng ta phải để cho thế hệ con cháu một thế giới không phải lo sợ khủng bố đồng thời có một môi trường sống bền vững. Năm nay chúng ta đang sống ghi nhận nhiều kỷ lục, mức nóng lên của thế giới, các thảm họa thiên tai... Chúng ta phải hành động nhân danh công lý về khí hậu”, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moo cũng nhấn mạnh thông điệp: Thành công tại COP 21 Paris phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo các quốc gia thế giới...Người dân trên thế giới và các thế hệ sau này trông chờ vào tầm nhìn và lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong việc nắm lấy thời cơ lịch sử này.

Chu Thanh Hương (từ Paris – Pháp)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO