Trên tinh thần kêu gọi theo tinh thần hợp tác, cùng nhau thảo luận để hài hoà lợi ích của quốc gia với mối quan tâm quốc tế, Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu 05 nội dung chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, thực hiện Thỏa thuận Paris.
Theo đó, các cam kết toàn cầu trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris cần được tăng cường, khẳng định rằng các cam kết này là không đảo ngược và không đàm phán lại, không cố tình hiểu sai vì biến đổi khí hậu là trách nhiệm toàn cầu.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng nêu rõ “nội dung của Chương trình công tác thực hiện Thỏa thuận Paris cần đảm bảo sự cân bằng giữa thích ứng, giảm nhẹ và phương tiện thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn phản ánh đầy đủ các quy tắc của Công ước Khí hậu.” Trong đó, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phản ánh sự công bằng và quy tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và khả năng tương ứng đã được nêu trong Công ước.
Đồng thời, Đoàn Việt Nam cũng đề nghị các nước phát triển cần có cam kết mạnh mẽ, rõ ràng trong việc cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để các nước đang phát triển thực hiện Thoả thuận Paris, đảm bảo thực hiện thành Đóng góp do quốc gia tự quyết địnhbằng các hành động thực tế.
Để triển khai thực hiện, Chương trình công tác thực hiện Thỏa thuận Paris phải đơn giản và thuận lợi cho các bên thực hiện trong khi đảm bảo toàn vẹn môi trường, minh bạch, có thể so sánh, nhất quán, đồng thời cần tránh tính trùng và cần được xây dựng trên kinh nghiệm đã có, theo Thứ trưởng Lê Công Thành.
Cuối cùng, nhằm thu hẹp khoảng trống về phát thải khí nhà kính các Bên cần tăng cường thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia chưa phê chuẩn Sửa đổi Doha cần khẩn trương hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Thực hiện việc này sẽ củng cố lòng tin giữa các bên và tạo đà thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn kể sau năm 2020.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, là một quốc gia đã và đang tích cực tham gia, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định hướng tới hoàn thành các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của quốc gia.
“Ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện NDC đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của quốc gia và đã được lồng ghép vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng và của từng người dân Việt Nam” - Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng đã khởi động tiến trình rà soát Đóng góp do quốc gia tự quyết định theo yêu cầu tại COP21 và xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba.
“Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam được đồng hành cùng sự tham gia của khối tư nhân và hỗ của trợ quốc tế, Việt Nam sẽ đặt ra lộ trình rõ ràng về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, góp phần vào nỗ lực ứng phó chung của toàn cầu và Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với cộng đồng quốc tế vì sự thịnh vượng của con người và hành tinh chúng ta” - Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu.
Kể từ khi Thoả thuận Paris lịch sử được thông qua ba năm trước đây, cộng đồng quốc tế đã hết sức nỗ lực nhằm thực hiện Thoả thuận Paris, bao gồm việc xây dựng Chương trình công tác thực hiện Thoả thuận Paris. Qua một số phiên họp, dự thảo Chương trình công tác đã minh chứng cho những nỗ lực và thoả hiệp của các bên, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ.
Nhân dịp này, trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng trân trọng cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Ba Lan về sự hiếu khách và những nỗ lực tuyệt vời để tổ chức Hội nghị quan trọng COP24.