Vì sự phát triển thủy điện bền vững của khu vực miền Trung – Tây Nguyên

06/12/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 6/12 tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Vì sự phát triển thủy điện bền vững của khu vực miền Trung – Tây Nguyên do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Tropenbos International Viet Nam và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Hội thảo là cuộc đối thoại đa chiều vì sự phát triển thủy điện bền vững ở các lưu vực sông Miền Trung - Tây Nguyên giữa các bên liên quan, gồm: các tổ chức đại diện cho nhân dân, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng, truyền thông và các tổ chức xã hội; qua đó giúp người dân có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và phản ánh các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống của họ. Đồng thời, cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức và các cấp chính quyền để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Việt Nam là một trong 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000MW. Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến 2015, Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc.

Do chiếm một tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, thủy điện đang có một vai trò rất quan trọng trong mạng lưới của Việt Nam. An ninh năng lượng quốc gia hiện tại và trong tương lai gần, rõ ràng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng được sản sinh từ nguồn tài nguyên nước này. Tuy nhiên, sự hiện diện rất dày của các công trình thủy điện lớn nhỏ khắp các hệ thống sông suối của Việt Nam, của khu vực miền Trung là thực tế cần nhìn nhận. Các công trình thủy điện là những công trình lớn của xã hội nhưng là công trình đặc biệt có tác động to lớn đến cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường sống, sự an toàn của con người trước và sau công trình thủy điện.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng trở nên thách thức lớn đối với loài người trong phát triển. Đối với phát triển thủy điện, BĐKH là yếu tố có ý nghĩa lớn do những biến động về nhiệt độ, lượng mưa dẫn đến thay đổi dòng chảy sông suối. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực lớn nhất do BĐKH và nước biển dâng. Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển thủy điện hiện tại của Việt Nam nói chung, tại khu vực miền Trung chưa xem xét và tích hợp vấn đề BĐKH trong quá trình quy hoạch, thiết kế và triển khai.

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thực tiễn phát triển thủy điện khu vực miền Trung cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đảy tăng trưởng kinh tế của khu vực, các công trình thủy điện cũng gây nên những tác động tiêu cực to lớn đối với môi trường, xã hội. Theo ông, phát triển thủy điện là bài toán đánh đổi – sự đánh đổi cần phải được nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo và thận trọng. Trong điều kiện BĐKH vấn đề phát triển thủy điện cần phải cân nhắc thận trọng hơn rất nhiều để bảo đảm hài hòa an ninh nguồn nước – lương thực – năng lượng và an ninh con người vì sự phát triển bền vững của một đất nước.

Với quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đến tận người dân sống tại các khu vực khác nhau, các nhóm nghiên cứu đã đưa đến hội nghị những tham luận với nhiều vấn đề như:  Tác động của các dự án thủy điện tới cộng đồng, Trồng rừng bồi hoàn trong xây dựng thủy điện ở Việt Nam, Những vấn đề Kinh tế và Xã hội hậu tái định cư, Phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn... Các tham luận này đã đặt ra những vấn đề thực tế của thủy điện cần giải quyết đồng thời cũng đưa ra những giải pháp mang tính bền vững rất có kỳ vọng cho phát triển thủy điện.

Tin & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sự phát triển thủy điện bền vững của khu vực miền Trung – Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO