Quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất này dần dần tạo thành những phương thức sản xuất nhất định, đến lượt nó phương thức sản xuất lại quy định lối sống, tức là văn hoá của xã hội ấy. Có thể nói, hoạt động sản xuất của cải vật chất là hoạt động sống căn bản nhất của con người và chính nó quyết định nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển văn hoá của từng xã hội. Như thế, có thể nói, tuy gián tiếp nhưng ở đây cũng không phải ai khác mà chính là môi trường đã quy định sự hình thành và phát triển của mỗi một nền văn hoá.
Văn hóa không chỉ tác động đến cuộc sống vật chất mà nó còn tác động đến tâm trí, tư tưởng và đời sống tinh thần của con người.Trên thế giới có rất nhiều nền văn hoá khác nhau, dẫn tới những hành vi có tác động đến môi trường cũngrất khác nhau.
Loại thứ nhất, luôn đối lập tự nhiên và xã hội, coi con người là trung tâm và động cơ hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường là khai thác, tận dụng triệt để vì lợi ích của mình. Nạn tàn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới là một minh chứng.
Loại thứ hai, không đặt con người đối lập với thế giới, coi mọi vật ở thế giới này đều có tính người và tính xã hội. Nền văn hoá này không chỉ sản sinh ra những hành vi tôn trọng môi trường mà còn sản sinh ra những khối lượng kiến thức về môi trường rất đáng khâm phục.
Nhiều học giả đã khẳng định khả năng nhận biết đặc biệt về động thực vật, các hiện tượng gió, ánh sáng, màu sắc, nước và không khí của thổ dân thuộc các bộ lạc cổ xa mà người hiện đại chúng ta khó có thể theo kịp. Ví dụ, người Hanunoo có thể phân biệt được 75 loài chim, 12 loài rắn, hơn 60 loài cá; hoặc hầu hết đàn ông Negrito có thể liệt kê một cách dễ dàng tên và mô tả ít nhất 450 loài cây, 75 loài chim, hầu hết các loại côn trùng…
Ở nước ta, đây là vấn đề không chỉ mang tính lý thuyết thuần tuý, mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình nhận thức và tác động đến môi trường. Thực tiễn văn hóa ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã cho thấy, nhiều chính sách xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc ít người đã không phát huy được tác dụng. Sở dĩ như vậy là những người đề ra chính sách đã không thực sự “hiểu” được văn hóa của đồng bào dân tộc, thậm chí lại lấy chính những tiêu chí về văn hóa của người Việt để áp đặt vào cuộc sống của họ.
Ví dụ, nhiều buôn làng ở Tây Nguyên được nhà nước hỗ trợ để định cư, trồng lúa nước hai vụ, đào giếng nước, xây nhà văn hóa, ở theo lối nhà của người Việt, thậm chí, có nơi đồng bào còn thờ cúng tổ tiên như người Việt.
Nếu có những nghiên cứu dân tộc học, nhân học theo cách “thâm nhập” và “hiểu” đồng bào các dân tộc thì chúng ta sẽ biết rằng, nhiều tộc người không phải du canh, du cư, mà là chuyển canh theo cách hiểu khoa học của từ này. Họ có ý thức về địa lý, sở hữu về thổ nhưỡng của những khu đất mà họ canh tác; họ hiểu rằng khi nào thì phải chuyển địa điểm canh tác, khi nào thì những địa điểm đã được khai thác lại có thể canh tác trở lại được.
Do vậy, cần phải tiếp thu hài hòa văn hóa các dân tộc, vùng miền, văn hóa Việt Nam và thế giới, đồng thời đặt nó trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để có những quyết sáchđúng trong BVMT. Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh: “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng cũng không cứng nhắc mà cần bảo đảm sự hài hòa trong phát triển”. Sự “hài hòa” đó chính là yếu tố văn hóa.