Hiện tại, có 6/11 xã gồm Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến vẫn trong tình trạng ngập sâu với 2.950 nhà dân bị ngập.
Nhiều thôn xã ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng vẫn còn ngập úng |
Tính đến sáng nay (12/10), có 4 tàu bị nạn gồm tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS, ĐNa 90988-TS. Các lực lượng chức năng đã cứu được 6 thuyền viên của 3 tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn tàu ĐNa 90988-TS.
Theo thống kê, hiện còn 8 tàu với 79 lao động đang hoạt động trên biển, các phương tiện đã nắm được thông tin về thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng tránh. Ngoài ra, 1 ca nô du lịch (220cv) bị chìm khi đang neo đậu tại bờ sông Cu Đê; 1 tàu đang bị mắc cạn tại vùng biển Nam Ô; 1 tàu bị đứt neo (ĐNa 30177-TS) trôi mắc cạn tại bờ biển Nguyễn Tất Thành (dưới bãi tắm Thanh Khê).
|
Tính đến nay, hơn 100 ha rau, màu bị ngập úng (trong đó: quận Liên Chiểu 4ha; quận Ngũ Hành Sơn 15ha; quận Cẩm Lệ 15,65ha; huyện Hòa Vang 65,45ha); 1,2ha hoa cúc (huyện Hòa Vang); 10.000 cây hoa cúc đất; 800 cây hoa đồng tiền; 400 chậu sống đời; 100 chậu đu đủ; 300 cây hoa vạn thọ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); 92.000 chậu hoa cúc Tết (quận Ngũ Hành Sơn: 12.000 chậu; quận Cẩm Lệ: 50.000 chậu; huyện Hòa Vang: 30.000 chậu); 100 chậu hoa hồng (huyện Hòa Vang) bị dập nát. Bên cạnh đó, 0,5 ha cây Atiso ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cũng bị hư hại.
Các thôn đang bị ngập chủ yếu ở Hòa Vang, Đà Nẵng |
Ngoài ra, 4 trại nấm rơm bị hư hỏng; 1.200 bịch nấm sò và 7.000 bịch phôi nấm sò bị hư hại; 26 tấn rơm nguyên liệu bị hư; 522 gia súc, gia cầm tại huyện Hòa Vang bị trôi. Tổng diện tích thiệt hại về thủy sản lên đến gần 31 ha, gồm 8,7 ha ao nuôi tôm bị tràn bờ; 22,26 ha diện tích ao nuôi cá bị tràn bờ; 2 lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, trôi mất.
|
Tình trạng sạt lở xảy ra ở các tuyến đường: ADB5 tuyến Hòa Liên - Hòa Bắc (50m3); đường bê-tông 90m gần đoạn Cầu Quảng xã Hòa Liên; khu vực cống tuyến đường ĐH 409 đoạn gần Đình Lệ Sơn - Hòa Tiến; đường ĐT 601 tại thôn Quan Nam 3... Một số vị trí đá lăn xuống mặt đường đã được đơn vị quản lý dọn dẹp, bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, tại Hội An nước vẫn chưa kịp rút |
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đề nghị các sở, ngành và các địa phương triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để bảo đảm thoát nước, vệ sinh; khắc phục cây xanh bị ngã đổ, sẵn sàng triển khai phương án khắc phục thiệt hại sau mưa lũ...
Giao thông đi lại rất khó khăn |
Học sinh Đà Nẵng đi học trở lại từ ngày mai 13/10
Chiều 12/10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố (GD&ĐT) có thông báo gửi các phòng GD&ĐT, các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục về việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại sau khi nghỉ học do mưa lớn.
Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại từ ngày 13-10.
Sở GD&ĐT thành phố lưu ý, các trường ở khu vực thấp trũng thuộc quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Các trường nằm ở địa bàn trung tâm thành phố cũng tổng dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh đi học trở lại. Trong ảnh: Giáo viên, nhân viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) dọn dẹp vệ sinh sân trường |
Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học, THCS đề xuất về phòng GD&ĐT để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Sở GD&ĐT. Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đề xuất và báo cáo về Sở GD&ĐT để theo dõi. Riêng địa bàn huyện Hòa Vang, học sinh, học viên tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Các trường tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra để chuẩn bị cho học sinh đi học lại.