Thông tin cần biết

Văn Chấn (Yên Bái): Nâng cao giá trị cho cây măng sặt

Thanh Ngà 29/04/2024 - 09:22

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, huyện Văn Chấn (Yên Bái) quan tâm hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cây măng sặt, xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị, ổn định thị trường giúp nhiều hộ gia đình xoá đói giảm nghèo có thu nhập ổn định.

Người dân thu từ 50-60 triệu đồng/ha/năm

Từ một loài cây dân dã trong rừng, giờ đây, cây măng sặt không những trở thành đặc sản mà còn giúp nhiều người dân của huyện Văn Chấn thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

z5392791240635_50621326bd0fb63c6c2397822a419f97.jpg
Văn Chấn hiện có khoảng 200ha cây sặt đang cho khai thác măng.


Mùa măng sặt bắt đầu có từ sau Tết Nguyên đán. Khi trời vẫn còn những cơn mưa xuân, đất ẩm cũng là lúc các ngọn măng đua nhau nhú lên khỏi mặt đất, rồi gối nhau từ Xuân sang Hè. Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

Cây sặt là cây lâm sản ngoài gỗ, chồi non của cây sặt ăn được (gọi là măng). Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên đã được người dân biết đến, thu hái và sử dụng làm rau, phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) và một số huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Sa Pa (Lào Cai).

z5392790815613_9715a4e488221587a2b43144f535a7a7.jpg
Sặt rất dễ trồng và chăm sóc.

Măng sặt có vị ngọt và mềm, dễ chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú, thân màu trắng còn tươi. Măng sặt có thể chế biến nhiều món ăn như: Luộc chấm mẻ, om sườn, xào, nướng trên bếp lửa ăn nóng ngon và lạ miệng.

Ở Yên Bái vào mùa măng khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao, từ miền núi đến đồng bằng đều bán loại măng này. Trước đây, măng sặt không có nhiều do mọc tự nhiên không có sự chăm sóc. Khi nhu cầu ẩm thực của người dân và nhiều du khách ở các nơi khác đến với các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái rất ưa thích món măng sặt. Từ đó, người dân biết quy hoạch những vùng có măng trên các khu rừng già thành vùng riêng, được chăm sóc nên măng cũng phát triển tốt hơn, măng to hơn và ngon hơn.

Hiện nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có khoảng 200ha cây sặt đang cho khai thác măng tại các xã: An Lương, Suối Quyền, Nâm Lành, Nghĩa Sơn, Suối Bu…Cây măng sặt đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

z5392791254318_3b64cae26d97d043d9f65bc3bedef61a.jpg
Ông Triệu Tòn Pét – Chủ tịch UBND xã Nậm Lành chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng sặt.

Ông Lý Hữu Ngân – Thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết: Hiện nay gia đình ông có 3,5ha trồng măng sặt, mỗi năm cho thu về khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, loại cây không cần phải mất công chăm sóc, bón phân như những loại cây trồng khác mà vẫn cho thu hoạch.

“Trước đây có cây măng nào lên là người dân hái hết cây đó, mấy năm gần đây được chính quyền địa phương tuyên truyền kỹ thuật chăm sóc, mọi người đã biết cách thu hái măng làm sao để năm sau măng ra nhiều hơn, cây to hơn có giá trị kinh tế hơn. Giá măng lúc nào cũng ổn định, thời điểm đầu có thể lên đến 90.000 đồng/kg, tới chính vụ giá ổn định từ 20.000 -25.000 đồng/kg giúp người dân có thu nhập ổn định”, ông Ngân chia sẻ.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Nhận thấy đây là một loại cây cho giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn, UBND huyện Văn Chấn đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu măng sặt giai đoạn 2021-2025 giao cho Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu trồng măng sặt của người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

z5392792247216_5399f612f4f8730afd04402d1c83b9b4.jpg
Huyện Văn Chấn đang tích cực hỗ trợ người dân nâng cao giá trị cho cây măng sặt.

Mục tiêu của đề án xây dựng vùng nguyên liệu măng sặt tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, phấn đấu đến năm 2025, có vùng nguyên liệu măng sặt tập trung trên 250ha. Sau hơn 2 năm triển khai đề án diện tích măng được mở rộng (trồng mới gần 60ha) và giá măng tăng lên, ổn định.

Ông Triệu Tòn Pét – Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: Theo Đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu Măng sặt huyện Văn Chấn, giai đoạn 2021-2025, xã Nậm Lành được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, toàn xã được hỗ trợ 4,4ha tại thôn Nậm Kịp. Đến nay, toàn xã có khoảng hơn 100ha sặt, tất cả diện tích này đều đang cho thu hoạch. Ngoài việc được hỗ trợ tiền để trồng mới diện tích, huyện Văn Chấn tích cực tuyên truyền cho người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc giúp nâng cao chất lượng và sản lượng.

z5392791226486_ef50055a58baa79306ecff036cdc2520.jpg
Huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Măng sặt Văn Chấn” nhằm tăng giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ.

“Trước khi đề án được triển khai thực hiện, măng sặt tươi tiêu thụ có giá bán khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, với sản lượng đạt khoảng 3,0 tấn/ha, đem lại nguồn thu từ 45 - 60 triệu/ha/năm. Sau khi đề án được triển khai đến nay nay giá măng sặt giao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, thời điểm đầu mùa lên đến 80.000 đồng/kg đem lại nguồn thu từ 50 – 60 triệu đồng/ha/năm. ”, Chủ tịch UBND xã Nậm Lành chia sẻ.

Huyện Văn Chấn xác định măng sặt là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao. Huyện đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm măng sặt và tìm hiểu về nhu cầu thị trường cho sản phẩm để có những định hướng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, huyện tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, các tổ nhóm sản xuất xây dựng thành vùng sản xuất có chất lượng cao, ổn định. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Măng sặt Văn Chấn” nhằm tăng giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, hình thành các sản phẩm chế biến từ măng sặt, đa dạng hóa sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm (OCOP).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn Chấn (Yên Bái): Nâng cao giá trị cho cây măng sặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO