(Văn Chấn) Yên Bái: Khó trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thanh Ngà| 28/10/2021 15:27

(TN&MT) - Mỗi năm trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) phát sinh khoảng trên 14.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý mới chỉ được thực hiện tại khu vực thị trấn, việc xử lý chủ yếu bằng phương pháp thủ công đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Tỷ lệ thu gom đạt thấp

Với đặc thù là huyện miền núi, chất thải rắn sinh hoạt tập trung chủ yếu là các khu tập trung dân cư, trung tâm các xã, thị trấn, nhà hàng, trường học…Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các cơ sở sản xuất và khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Đây chính là nguồn phát sinh chất thải rắn lớn, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng năm phát sinh trên địa bàn huyện khoảng trên 14.000 tấn, huyện mới chỉ thu gom và xử lý tại khu vực thị trấn với khối lượng gần 700 tấn/năm.

Mỗi năm trên địa bàn huyện Văn Chấn phát sinh khoảng trên 14.000 tấn

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hầu hết tại nơi có mật độ dân cư cao hoặc trung tâm các xã, thị trấn và chưa được phân loại ngay tại nguồn. Các chất thải hữu cơ và chất thải vô cơ được đổ lẫn vào nhau trước khi được công nhân vệ sinh tiến hành thu gom. Do đó, rất khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Phương – Tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường, Ban quản lý nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện Văn Chấn cho biết: Hiện tổ vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên và liên tục, hàng ngày việc thu gom, vận chuyển rác tại các tuyến đường trong khu vực thị trấn được thực hiện 2 lần/ngày, buổi sáng từ 4 giờ 30 phút đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ đến 19 giờ rác sẽ được tập kết về các điểm, sau đó có xe chuyên dụng thu gom.

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới chỉ được thực hiện tại thị trấn Sơn Thịnh

Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn do ý thức của người dân chưa cao, rác vẫn chưa được để đúng nơi quy định, các chất thải dễ phân hủy và khó phân hủy chưa được người dân phân loại ngay tại nhà nên việc thu gom cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện cả đội có 11 người, trong đó có 2 xe lái xe, chỉ có 9 công nhân dọn vệ sinh. Hàng ngày đội sẽ phụ trách việc thu gom rác thải trong khu vực thị trấn, tổng chiều dài khoảng 13km.

Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được thực hiện trên các tuyến đường chính, khu trung tâm xã, thị trấn, khu chợ…nhằm đảm bảo thu gom tối đa lượng chất thải rắn phát sinh. Chất thải sau khi thu gom sẽ được tập kết và vận chuyển đến nơi chôn lấp. Tuy nhiên, việc thu gom và vận chuyển để xử lý tại các xã, thị trấn mới chỉ thực hiện được ở thị trấn Sơn Thịnh.

Xử lý thủ công, gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Ban quản lý nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện thực hiện, công tác này mới chỉ được thực hiện tại khu vực thị trấn Sơn Thịnh với khối lượng khoảng gần 700 tấn/năm.

Tại các khu dân cư, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế. Các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư không có kinh phí duy trì thường xuyên nên hoạt động kém hiệu quả. Phương tiện, nhân lực phục vụ cho tổ tự quản thu gom rác nhiều nơi chưa có.

Hiện Ban quản lý nước sạch và Vệ sinh môi trường mới được đầu tư một xe chuyên dụng chở rác, 8 xe đẩy tay với lượng công nhân còn hạn chế. Vì vậy, trong quá trình vận chuyển rác thải từ nơi tập trung về bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo về cảnh quan môi trường.

Bà Trần Thị Xuân Mai – Phó trưởng Ban quản lý nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện Văn Chấn cho biết: Hiện Ban có 1 tổ vệ sinh môi trường với 11 công nhân thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn của huyện, sau khi rác được thu gom sẽ được vận chuyển trở lên km5 đường lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Việc xử lý được thực hiện bằng phương pháp thủ công, dùng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi thối, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, mỗi tuần sẽ thực hiện việc san lấp một lần.

Sau khi thu gom rác thải được đưa về bãi rác của huyện và xử lý bằng phương pháp thủ công, gây ô nhiễm môi trường

“Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, do lượng rác và chi phí cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, ban mới chỉ xử lý theo phương pháp thủ công, tạm thời, để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của môi trường thì đơn vị cũng chưa làm được. Mặt khác, việc thu gom rác thải sinh hoạt còn nhiều khó khăn do nhân lực hạn chế, địa bàn rộng. Trong thời gian tới, để đáp ứng việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, chúng tôi mong muốn sẽ được đầu thêm 1 chiếc xe chuyên dụng. Về lâu dài, rất mong huyện Văn Chấn sớm được đầu tư lò đốt rác để có thể xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải gây ra”, bà Trần Thị Xuân Mai nói.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện cần bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mô hình thu gom rác thải tại các xã, thị trấn đảm bảo cho các mô hình hoạt động thường xuyên và hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, cá nhân về việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; UBND các xã, thị trấn cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn, khu dân cư thuộc phạm vi mình quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
(Văn Chấn) Yên Bái: Khó trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO