SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Khương Trung - Trường Giang 03/11/2023 17:50

(TN&MT) – Phát biểu kết luận phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.

ptcqh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3/11

Chiều 3/11, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong ngày hôm nay, đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hưu quan, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.

031120230535-z4845465513669_589679e970d2c09266d8ff5aa6224742(1).jpg
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.

031120230223-z4844914777109_7857a9ad24f6da43c3790f20cbc261d0.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3/11

Trước đó, thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. Ghi nhận các đại biểu chia sẻ với nội dung luật khó phức tạp, cầu thị tiếp thu nhiều ý kiến nhưng đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau.

031120230441-z4845440000070_40f31a30570d89b4a4ed569fa823eefd(1).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật.

Về sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết liên quan đến đất rừng, qua trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất chính sách phân cấp, cấp ủy quyền cho Hội đồng nhân dân các địa phương và thời gian tới cần sửa Luật Lâm nghiệp để thống nhất.

Về Điều 79, nhiều đại biểu quan tâm và các ý kiến đều thống nhất với nội dung bổ sung quy định cho phép Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng.

Về các khoản nhà nước thu hồi đất, quy định theo hướng liệt kê, một số đại biểu cho rằng liệt kê chưa đủ, song cần bám vào Điều 54 của Hiến pháp với yêu cầu là phải thật cần thiết.

small_bt-hanh-lang.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trao đổi với các phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 3/11

Liên quan đến các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu mà doanh nghiệp, nhà đầu tư mà muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp và tránh các khiếu kiện phức tạp. Các đại biểu cũng còn băn khoăn ở trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì cũng cần phải có cơ chế xử lý.

Về các điều kiện để mà nhà đất thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng thì một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo Luật quy định về 7 trường hợp, phương án bắt buộc phải có. Theo đó, chỉ có trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.

Liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo Luật đã có Điều 16 và một số các điều khoản khác liên quan để mà thực hiện chính sách này, trong đó xử lý đất ở, đất sản xuất lần đầu; có cơ chế để xử lý trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế để bảo đảm quỹ đất để cho bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số từ đất đai của sắp xếp lại các nông lâm trường, các dự án phát triển quỹ đất…Tuy nhiên, các ý kiến vẫn cho rằng phạm vi còn hẹp so với Nghị quyết 18-NQ/TW bởi không phải chỉ có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà ở các vùng khác…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật bảo đảm tính khả thi.

Về trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết qua thảo luận nhận thấy các ý kiến thiên về phương án 3 trong trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nhưng trong hạn mức nhất định thì không cần thiết phải thành lập tổ chức và phải có phương án sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO