Trong nước

Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024: Hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước

Khương Trung - Nguyễn Thuỷ 17/07/2024 20:46

(TN&MT) - Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chủ trì Hội nghị.

small_20240717_hn-so-ket-6-thang-bo-tnmt-1.jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tham dự có các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Hội nghị là dịp để toàn ngành cùng nhìn nhận, đánh giá kết quả đã đạt được, cũng như tồn tại, hạn chế, từ đó xác định những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong các tháng cuối năm để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, của Ngành.

Điểm lại những kết quả công việc của ngành TN&MT, trong 06 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận toàn ngành đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt.

small_20240717_hn-so-ket-6-thang-bo-tnmt-3.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận những kết quả nổi bật nêu trên có được là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành

Có nhiều kết quả quan trọng tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao, trong đó nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và khối lượng công việc rất lớn, khó, phức tạp, như trình Quốc hội thông qua Luật cho phép Luật Đất đai và các Luật có liên quan có hiệu lực thi hành sớm từ 01/8/2024, để sớm khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập trong thực tiễn; hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước 2023; trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản; trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia, là quy hoạch khó, lần đầu được triển khai xây dựng ở nước ta, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phân bổ, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững không gian biển…

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận những kết quả nổi bật nêu trên có được là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành. Trong đó có sự quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực quản lý của Bộ; các đồng chí Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các lãnh đạo Sở TN&MT đã chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực…

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đại biểu tham dự trực tuyến cũng như trực tiếp cùng phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua… từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2024, bảo đảm hiệu quả, tạo tiền đề thắng lợi quan trọng cho năm 2025, là năm bản lề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất

small_20240717_hn-so-ket-6-thang-bo-tnmt-2.jpg
Ông Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT, báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 ngành TN&MT

Báo cáo kết quả sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 ngành TN&MT, ông Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Toàn ngành TN&MT đã lấy phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” làm trọng tâm hành động; tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao đóng góp của Ngành cho phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngành TN&MT đã bám sát diễn biến tình hình, lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách của người dân, doanh nghiệp để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới công tác kế hoạch, đầu tư; triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được tập trung thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất; giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và yêu cầu của quá trình phát triển.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cụ thể, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, theo đó các Luật nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Đồng thời, hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ 06 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các thông tư để bảo đảm thi hành đồng bộ với Luật.

Triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai, thi hành Luật; hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư; thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy định để bảo đảm triển khai thi hành của Luật kể từ ngày 01/7/2024.

Cùng với đó, Bộ cũng hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Tập trung rà soát, đánh giá và xây dựng các dự thảo: Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn… với tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương; đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về TN&MT đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT, công tác cải cách TTHC được ngành TN&MT thực hiện mạnh mẽ, thực chất, rút ngắn thời gian thực hiện cả ở Trung ương và địa phương; Công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong Ngành TN&MT tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, toàn Ngành đã chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước…

Cũng theo ông Phạm Tân Tuyến, với việc thực hiện có hiệu quả phương châm hướng về địa phương, cơ sở để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, Bộ TN&MT tăng cường sự phối hợp, huy động sự vào cuộc, tham gia của các tổ chức chính trị -xã hội trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng; thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo KTTV góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hướng về cơ sở, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong công tác quản lý TN&MT

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024; công tác triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, cắt giảm TTHC; kết quả giải quyết đơn thư, thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2024 của ngành TN&MT; việc hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Theo đó, với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sở, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các đơn vị trực thuộc Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật về TN&MT.

truc-tuyen.jpg
Hội nghị diễn ra trực tuyến với các điểm cầu kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở TN&MT: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tham luận về việc đổi mới quản lý hành chính đất đai thông qua việc kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản tại địa phương; lãnh đạo sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Dương tham luận về nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có thể cung cấp cho các dự án trọng điểm quốc gia đi qua tỉnh; lãnh đạo Sở TN&MT thành phố Hải Phòng tham luận về công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước…

Làm việc phải có sản phẩm, đích đến rõ ràng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả công việc đã triển khai từ đầu năm 2024, đồng thời chia sẻ về khối lượng công việc của ngành TN&MT từ Bộ đến các Sở địa phương trong thời gian tới là rất lớn với nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.

small_20240717-bo-truong-ket-luan.jpg
Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành trong năm 2024, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị khi thực hiện nhiệm vụ cần bám theo quan điểm: Đã làm việc phải có đích đến cụ thể, kết quả công việc phải có sản phẩm rõ ràng…

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024, trước bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành tài nguyên và môi trường, để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành trong năm 2024, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục nghiêm túc quán triệt phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; đồng thời khi thực hiện nhiệm vụ cần bám theo quan điểm: đã làm việc phải có đích đến cụ thể, kết quả công việc phải có sản phẩm rõ ràng…

Về những nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị của Bộ sớm tổ chức triển khai, xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch triển khai các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, thông suốt trong công tác quản lý nhà nước của ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó, sửa đổi, hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp… Về việc này, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ phối hợp cùng các Sở TN&MT cùng chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vì sự phát triển của đất nước.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trong đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương...; cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực…

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế và hợp tác song phương, đa phương với các đối tác truyền thống cũng như các đối tác tiềm năng, tập trung vào các lĩnh vực biến đổi khí hậu, khí tượng thuỷ văn, bảo tồn đa dạng sinh học, rác thải biển, khoáng sản thiết yếu… Đồng thời, đặt ra cho các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học của ngành cần có nhiều nghiên cứu, tham mưu, tăng cường công tác đào tạo để có được những công trình khoa học gắn với thực tiễn.

Với các nhóm nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của Bộ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về đo đạc, bản đồ trong xác định, phân định biên giới, địa giới hành chính trên đất liền và trên biển; ứng dụng công nghệ viễn thám trong theo dõi, giám sát tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo dự báo sẽ có khoảng 60 - 65% La Nina sẽ bắt đầu khoảng tháng 7 - 8/2024, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo dõi sát sao diễn biến thiên tai, khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều để đưa ra các cảnh báo, dự báo sớm, góp phần giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và vật chất cho địa phương.

Đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng, vận hành, kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng về quản trị, vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia cho người dùng theo phân cấp quản lý. Thông qua kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Với sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm chính trị của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng Ngành tài nguyên và môi trường sẽ phát huy những thành tựu, kết quả quan trọng đã đạt được, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong các tháng còn lại của năm 2024 .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024: Hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO