Ưu tiên nguồn lực, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
(TN&MT) - Thời gian qua, Bộ TN&MT và các địa phương trên cả nước đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) nhằm tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên đất đai cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và phục vụ việc chuyển đổi số. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Võ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai (Bộ TN&MT) để rõ hơn về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tiến độ xây dựng CSDLĐĐ ở Trung ương và địa phương đến thời điểm hiện nay?
Ông Võ Anh Tuấn: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã nỗ lực cùng các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDLĐĐ.
Theo đó, đối với CSDLĐĐ do Trung ương xây dựng, đến nay, đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Đối với CSDLĐĐ do địa phương xây dựng, hiện 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDLĐĐ, cụ thể, đã có 455/705 đơn vị cấp huyện hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất.
Nhờ đó, công tác kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLĐĐ và triển khai dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng ở nhiều địa phương thời gian qua đã thu được nhiều kết quả. Ví dụ như: 48/63 địa phương đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư; 63/63 tỉnh, thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”...
Như vậy, có thể thấy kết quả xây dựng CSDLĐĐ trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã từng bước đưa CSDLĐĐ vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối liên thông điện tử với các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Tuy nhiên việc triển khai công tác này ở một số địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
PV: Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới việc chậm tiến độ ở các địa phương?
Ông Võ Anh Tuấn: Theo tôi, nguyên nhân chính là do các địa phương chưa chủ động và quyết liệt trong công tác xây dựng CSDLĐĐ; việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện CSDLĐĐ của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực và hữu hiệu của hệ thống thông tin, CSDLĐĐ đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây CSDLĐĐ; Trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành CSDLĐĐ ở Trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế.
Ngoài ra, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác.
PV: Theo ông để đẩy nhanh tiến dộ xây dựng CSDLĐĐ trong thời gian tới nhằm đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác trong năm 2025 theo yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-TW, Bộ TN&MT và các địa phương cần có những giải pháp nào?
Ông Võ Anh Tuấn: Tôi cho rằng, để đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác, cần triển khai đồng loạt việc hoàn thiện xây dựng CSDLĐĐ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai đồng thời giữa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai với việc xây dựng CSDLĐĐ ở cả Trung ương và địa phương, Bộ TN&MT cần tiếp tục quán triệt sâu rộng quan điểm, nhận thức và vai trò của CSDLĐĐ đối với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tăng cường công tác quản lý đất đai tới các cấp chính quyền địa phương.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, CSDL tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” để cung cấp phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin trong năm 2025 cho các địa phương theo nhu cầu với mô hình cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất trong cả nước.
Tăng cường cử Đoàn công tác đến các địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, CSDLĐĐ ở địa phương. Đặc biệt cần có các giải pháp kỹ thuật xử lý với từng trường hợp cụ thể như đối với những nơi chưa có dữ liệu, những nơi có dữ liệu nhưng không được cập nhật thường xuyên, khuôn dạng dữ liệu không thống nhất.
Đối với các địa phương, cần xây dựng phương án tổng thể với các giải pháp, nguồn lực thực hiện khả thi và tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành CSDLĐĐ trên địa bàn tỉnh, thành phố trong năm 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện CSDLĐĐ; Rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã có dữ liệu ở dạng phân tán thực hiện việc cập nhật dữ liệu ngay trong quá trình quản lý, vận hành, giao dịch của người sử dụng đất; Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính cung cấp trên cổng dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp;
Khẩn trương triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong CSDLĐĐ ở địa phương với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tổ chức triển khai trên toàn tỉnh để người sử dụng đất kê khai, đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận để bổ sung, làm giàu, làm sạch thông tin về đất đai trong CSDLĐĐ.
Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2024, 2025 để chỉ đạo, tổ chức thực hiện…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!