Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc URENCO để hiểu rõ hơn về chặng đường phát triển và tiếp tục những hoạch định để Hà Nội sạch hơn.
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc URENCO |
PV: Từ những hành trang rất đơn giản là “quần thâm, áo vá, chổi tre cùng với những chiếc xe bò kéo”, đến nay URENCO đã có sự chuyển mình mạnh mẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Trước đây, nhìn nhận của xã hội đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường rất đơn giản là những người đi nhặt rác. Từ những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Urenco đã dần thay đổi cái nhìn nhận từ trong nội bộ công ty cũng như xã hội đối với công tác vệ sinh môi trường. Có thể nói, đó là sự chuyển mình quan trọng nhất mà các thế hệ lãnh đạo Urenco đã tạo ra tạo tiền đề cho những bước tiến về sau.
Từ những thay đổi trong nhận thức, công ty tập trung đầu tư các cơ sở xử lý. Nếu như trước đây khi còn là Công ty vệ sinh, đơn vị chỉ thu gom vận chuyển rác, hoạt động xử lý chỉ là đổ vào những ô chôn lấp thì đến năm 1998, Urenco đã có những lò đốt chất thải y tế hiện đại nhất nhập khẩu từ Ý để xử lý chất thải y tế cho TP Hà Nội. Tiếp đến 2005, công ty tiếp tục đầu tư các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp.
Cùng với đó, công ty bắt đầu chuyển mình từ doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Mở rộng mô hình tổ chức, hình thành các công ty cổ phần, các công ty con. Từ năm 2009 - 2015, Urenco đã hình thành được 9 công ty con là các công ty cổ phần thành viên và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Đặc biệt, những năm qua, Urenco đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về quy mô. Không chỉ hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, công ty đã mở rộng phạm vi hoạt động với việc thành lập một công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (năm 2007), thành lập một chi nhánh hoạt động tại Đà Nẵng (năm 2009).
Song song việc mở rộng quy mô, Urenco cũng từng bước tạo ra những chuyển mình về chất của doanh nghiệp. Urenco đặc biệt đầu tư chất xám cho đội ngũ cán bộ quản lý. Nếu ở thời kỳ đầu bắt đầu chuyển từ Công ty Vệ sinh sang Công ty môi trường (năm 1991), Urenco chỉ có không quá 10 kỹ sư, đến nay doanh nghiệp đã có khoảng 400 kỹ sư với các loại trình độ khác nhau.
Urenco cũng không ngừng ứng dụng các khoa học công nghệ vào trong quản lý. Thành công nhất đến nay là việc ứng dụng camera, GPS trong việc giám sát chất lượng, ứng dụng thu phí vệ sinh bằng hệ thống phần mềm hóa đơn điện tử trên smartphone, sáng kiến cải tiến kỹ thuật là đưa vật liệu posishell vào công nghệ chôn lấp rác hợp vệ sinh được ứng dụng hiệu quả trong xử lý chất thải…
PV: Xin ông cho biết, suốt chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, đâu là dấu ấn đậm nét nhất mà URENCO đã gây dựng và được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, URENCO đã đạt được rất nhiều thành tích, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua, đã hoàn thành được tất cả chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố giao cho. Bên cạnh đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, công ty đảm bảo chăm lo tốt đời sống cán bộ nhân viên, thu nhập bình quân cán bộ nhân viên đều tăng trưởng bình quân từ 50-10% mỗi năm.
Urenco đã sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ thu gom, vận chuyển rác |
Trong công tác vệ sinh môi trường, trong 5 năm qua, công ty cũng đã thay đổi rất nhiều phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Đặc biệt là chương trình “bỏ rác tiện lợi – thu rác văn minh”, chương trình đưa xe xe quét hút vào thay thế công nhân thủ công đã làm thay đổi bộ mặt đô thị ở địa bàn mà công ty phục vụ.
Đến nay, Urenco đã được thành phố, người dân đánh giá cao khi phục vụ tốt công tác vệ sinh môi trường trong các sự kiện chính trị lớn của Đất nước và Thủ đô như: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội; Đại hội Đảng bộ Toàn quốc lần thứ XII, Bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Phục vụ không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm... và duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 gây ra trong thời gian vừa qua…
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, có 2 nữ công nhân làm công tác thu gom rác của Urenco vinh dự được Thành phố công nhận là công dân ưu tú Thủ đô. Đó là những dấu ấn đậm nét từ người công nhân lao động đến cán bộ quản lý hay công tác điều hành, các hoạt động sản xuất nói chung.
PV: Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, chắc chắn Urenco đã trải qua không ít khó khăn, thách thức. Vậy, thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Nhìn nhận những thách thức mà Urenco phải vượt qua trong giai đoạn 5-10 năm tới, tôi cho rằng, trước hết, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, do đó đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực môi trường ngày càng lớn.
Trong vòng 10 năm tới nếu các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực môi trường không lớn mạnh, không đổi mới thì rất dễ mất cơ hội, mất thị trường; các khu xử lý chất thải không chỉ của Hà Nội mà cả ở các tỉnh sẽ đều do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, vận hành. Một khi các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư các khu xử lý thì rất dễ tiến tới đảm nhận luôn cả việc thu gom, vận chuyển cho giai đoạn sau nữa.
Với những nỗ lực không ngừng, Urenco đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý:
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005;
Huân chương Lao động hạng Ba năm 1963; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1993;
Bên cạnh đó, nền kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra thách thức về tái chế chất thải. Nếu các doanh nghiệp Việt không nhận thức được vấn đề này và nghiên cứu đầu tư cho hoạt động phân loại, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa thì đến một lúc nào đó cũng sẽ có đơn vị nước ngoài đảm nhận tái chế.
Ngoài ra, doanh nghiệp không nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng tốt công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành thì năng suất lao động thấp. Mặt khác sự cạnh tranh trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ngày càng trở nên khốc liệt hơn, do đó doanh nghiệp càng phải nâng cao ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị để đảm bảo nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
PV: “Đổi mới hơn nữa để nâng cao chất lượng phục vụ”, Urenco sẽ đổi mới như thế nào trong giai đoạn sắp tới?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Urenco đặt ra một số chương trình mục tiêu dài hạn cho 5-10 năm tới. Trước hết, trên địa bàn TP Hà Nội công ty hướng tới làm sao để không nhìn thấy rác thải vứt bừa bãi trên đường phố, đặc biệt là các quận ở địa bàn mà Urenco hoạt động.
Từ đây, Urenco đã xây dựng rất nhiều phương án từ chương trình “bỏ rác tiện lợi - thu gom rác văn minh”, đặt hệ thống thu chứa rác cho người dân bỏ vào; đưa vấn đề cơ giới xe quét hút vào hoạt động, quản lý điều hành bằng các phần mềm thông minh; trong đó, tiến tới triển khai hệ thống “thùng rác thông minh”…
Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự sạch hơn, mấu chốt vẫn là “quản lý rác từ nguồn” và “phân loại rác từ nguồn”. Rác không quản lý từ nguồn mà để vứt ra đường mới dọn thì vừa tốn công, tốn chi phí và bộ mặt đô thị lại nhếch nhác. Gốc của vấn đề là làm sao rác từ người dân nói chung, các hộ xả thải nói riêng phải đưa vào thiết bị thu chứa của các đơn vị vệ sinh môi trường ngay, không bỏ ra trung gian.
Tháng 8/2020, quận Hoàn Kiếm đã thông qua chương trình “phân loại rác tại nguồn” dự kiến tiến hành trong 5 năm. Urenco đang thúc đẩy từ nay đến cuối năm 2020, 4 quận nội đô của Thành phố Hà Nội sẽ đều thông qua chương trình này.
Sử dụng vật liệu phủ bãi posishell để thay thế cho đất trong công tác xử lý rác |
Riêng phân loại rác từ nguồn cũng sẽ có điều chỉnh rút kinh nghiệm từ các chương trình phân loại rác đã thực hiện trước đây nhưng thất bại. Urenco thực hiện trước tiên phân loại thành “rác tái chế” và “rác còn lại”. Trong “rác tái chế” thu 2 loại chính là rác thải nhựa và giấy thải.
Rác còn lại sẽ được xử lý theo công nghệ xử lý mà các nhà đầu tư được thành phố cho phép đầu tư. Ví dụ xử lý công nghệ đốt thì phân loại thành “rác đốt được” và “rác không đốt được”. Trong tương lai, nếu thành phố có nhà đầu tư công nghệ tái chế rác hữu cơ làm phát điện thì sẽ tiếp tục một bước nữa là phân loại “rác hữu cơ” và rác đốt được, không đốt được.
Tóm lại, phân loại rác được thực hiện theo cơ sở xử lý mà thành phố quy hoạch và đầu tư.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!