Ứng phó với thảm họa đô thị

Ngọc Lý| 12/05/2020 09:54

(TN&MT) - Thảm họa đô thị ngày càng lớn và đa dạng. Đặc biệt, với những vùng đô thị cực lớn về dân số có nền kinh tế toàn cầu hóa.

Điều này đang được minh chứng khi đại dịch COVID-19 quét qua hàng loạt đô thị lớn trên thế giới - nơi vốn được coi là biểu tượng cho thịnh vượng. Chính các đô thị này lại là nơi lây lan dịch bệnh nhanh nhất và tỏ ra bất lực nhất.

New York với 25 triệu dân và 60 triệu du khách/năm đang hứng thảm họa kép khi đại dịch COVID-19 với số người chết chiếm 50% số tử vong cả nước Mỹ. Dehli - đô thị lớn nhất của Ấn Độ cũng được dự báo sẽ hứng thảm họa nặng nề bởi dịch COVID-19.

 

Và những thảm họa đô thị không chỉ dừng lại khi đại dịch COVID-19 lây lan hầu như ở vùng đô thị toàn thế giới với dự báo dịch bệnh sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn tại các siêu đô thị, vốn đã bị tổn thương sâu sắc trước đó. Suốt 3 tháng qua, con số nhiễm bệnh và người chết liên tục đứng trên trang nhất tin tức quốc tế với hơn 2 triệu người mắc và trên trăm ngàn người chết.

Vấn đề của các thành phố và cư dân đô thị sau thảm họa là họ đang bị ngạt thở bởi chính trái ngọt thành công đô thị, kéo theo cả hành tinh cũng đang gặp nguy hiểm từ sự thành công này.

Ở Việt Nam, những gì diễn ra trong thực tế, đang minh chứng cho sự khủng hoảng của tư duy và thực tiễn quy hoạch, bởi các cấu trúc được thể hiện rõ ràng trên bản vẽ chưa kịp thực hiện, đã có cấu trúc điều chỉnh quy hoạch mới được đưa ra…, bởi các cấu trúc lịch sử vô giá bị biến dạng từng ngày.

Thống kê chính thức dân số TP.HCM là 8,9 triệu dân và Hà Nội sau 10 năm mở rộng là 8,11 triệu. Nhưng thực tế, luôn có thêm 1/3 dân co giãn theo chân việc làm, cơ hội, du lịch và trao đổi... dẫn đến TP.HCM có số dân sinh sống thực trên 13 triệu và Hà Nội là 11 triệu người. Với sự gia tăng dân số đột biến như vậy, cả 2 thành phố, nếu cứ phát triển theo kỳ vọng, sẽ không thể có giải pháp đáp ứng đủ nhà ở, hạ tầng, việc làm. Đặc biệt, sẽ bế tắc về vấn đề giảm ô nhiễm và ứng phó thảm họa, dịch bệnh.

Chính những điều đó, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai. Đây là thách thức lớn đặt ra trong quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua Khung thực hiện chương trình phát triển đô thị với hàng loạt hỗ trợ pháp lý để tăng tốc đô thị (gồm 6 chính sách phát triển). Nhưng, không có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị và đối phó thảm họa. Đơn giản là chưa có dự báo mặt trái của đô thị và ngân sách dự phòng cho thảm họa!(?)

Các mô hình đô thị trong lịch sử có thể nhận dạng rất rõ. Còn nay, quy hoạch chiến lược của ta chung chung, nên các đô thị đang “thoải mái” tiến ra mọi hướng - không rõ quy mô, mô hình khung - bị các dự án đô thị làm chủ tình hình, chứ không phải quy hoạch. Và, nếu Việt Nam vẫn không có một mô hình phát triển đô thị bền vững, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ phải chịu những hậu quả khó lường.

Đặc biệt, nếu dấn sâu vào đô thị hóa với “bầu sữa” của kinh tế bất động sản, nguy cơ đổ vỡ về đô thị trong tương lai sẽ gần hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với thảm họa đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO