Biến đổi khí hậu

Ứng phó với BĐKH: Cách làm chủ động, hiệu quả ở Quảng Ninh

Phạm Hoạch 14/11/2023 - 13:04

(TN&MT) - Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, lồng ghép yếu tố BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, ưu tiên thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đê điều, hồ, đập, chuyển đổi linh hoạt cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông, ngư nghiệp, đem lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường. Báo Tài nguyên và Môi trường xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết về cách làm hiệu quả trên.

Bài 1: Xây “lá chắn xanh” ngăn sóng dữ

Những năm qua, Quảng Ninh đã dành nguồn lực lớn để đầu tư xây mới, tu bổ hệ thống đê điều, hồ đập, cũng như quan tâm tới hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn, rừng trên cạn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, thời tiết cực đoan và có diễn biến khó lường.

Đầu tư hạ tầng ứng phó BĐKH

Một trong những định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với BĐKH.

anh-kh-01.jpg
Hệ thống đê biển bảo vệ mùa màng và người dân khu vực Hà Nam, TX. Quảng Yên

Cùng với đó, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều xây dựng kế hoạch công tác Phòng chống giảm nhẹ thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, cũng như chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai điều chỉnh, bổ sung hệ thống kế hoạch PCTT&TKCN ở các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, xây dựng phương án củng cố, tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, xây dựng phương án di rời nhân dân trên các làng chài vào đất liền, khu vực sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh và phương án bảo đảm an toàn tuyến đê biển Hà Nam.

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh- Nguyễn Như Hạnh cho biết: Hàng năm tỉnh đều xây dựng các kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, nước biển dâng, các phương án đều thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt sát với thực tế từng địa phương, với phương châm thực hiện "Ba trước, Bốn tại chỗ", nhờ vậy đã giảm tối thiểu mức độ thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, đầu tư nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt. Trong giai đoạn 2013 - 2022, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều dự án để củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Đối với hệ thống đê biển, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành với 17 dự án với tổng chiều dài 108 km, trong đó, có nhiều dự án quan trọng như: Nâng cấp đê Hà Nam, TX. Quảng Yên, nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, xã Quan Lạn huyện Vân Đồn, nâng cấp tuyến đê Hà An, TX. Quảng Yên, nâng cấp tuyến đê Quảng Yên- Yên Giang, TX. Quảng Yên và nâng cấp tuyến đê biển thôn 1 xã Hải Đông, TP. Móng Cái.

Còn đối với hệ thống đê sông tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 3 dự án tu bổ, nâng cấp trên địa bàn TX. Đông Triều với tổng chiều dài là 21,37 km nằm trên địa bàn 3 xã: Bình Dương, Nguyễn Huệ và Hồng Phong. Hiện đã hoàn thành dự án tu bổ, nâng cấp đê xã Nguyễn Huệ với tổng chiều dài 6,75 km.

Cùng với đó, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh còn thường xuyên kiểm tra, khảo sát, xác định các khu vực trọng điểm đã đẩy mạnh để có phương án phòng chống khi có bão, lũ xảy ra, như hệ thống kho tàng, doanh trại, trụ sở làm việc, các hồ, đập, đê, kè trọng yếu, các khu neo đậu tàu thuyền và những khu vực hay xảy ra lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất, nhất là tại các địa phương gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Bình Liêu, Ba Chẽ, các bãi thải của Ngành than.

Bức tường “xanh” rừng ngập mặn

Nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, những năm qua, Quảng Ninh đẩy mạnh giải pháp thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn tại các khu vực miền núi.

Nhờ các giải pháp hữu hiệu, diện tích rừng ven biển của Quảng Ninh đã có xu hướng tăng lên, đến năm 2022 đạt 22.000 ha so với năm 2012, chỉ có 18.892,6 ha. Trong đó đã hoàn thành Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH, trong đó đã trồng mới 510 ha rừng phòng hộ tại 33 xã ven biển của tỉnh.

anh-kh-02.jpg
Rừng ngập mặn tại phường Hà An, TX. Quảng Yên đóng vai trò như “lá chắn xanh” chống chọi với thiên tai

Bên cạnh đó, dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê thôn 1, xã Hải Đông, TP. Móng Cái được triển khai trồng mới 52,1 ha và trồng bổ sung, chăm sóc, phục hồi được 36ha. Còn tại huyện Vân Đồn, đã triển khai trồng rừng ngập mặn thuộc dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, trong đó trồng mới 26,8 ha và trồng bổ sung, chăm sóc, phục hồi được 20 ha.

Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt không chỉ đóng vai trò như một “lá chắn xanh” giúp ứng phó với BĐKH, chống chọi với thiên tai, bão lũ, nước biển dâng mà còn tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Không chỉ quan tâm với giải pháp trồng, bảo vệ rừng ngập mặn, những năm qua, Quảng Ninh còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân tại các khu vực miền núi đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với rừng bản địa và cây dược liệu. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng tăng nhanh, từ 52,5% năm 2013 lên 55% năm 2023 (tăng 2,5%), đưa Quảng Ninh thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng.

Cùng với việc trồng, chăm sóc, công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, và nâng cao chất lượng rừng trồng. Từ năm 2016 đến năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh trồng mới được trên 98.461 ha rừng các loại.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, cũng như điều tra, quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị công nhận khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR) cho khu đất ngập nước Đồng Rui, tại huyện Tiên Yên và hoàn thiện hồ sơ thành lập khu rừng đặc dụng mới đối với Khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Nam Châu thuộc 3 huyện Bình Liêu, Đầm Hà và Hải Hà.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư về BĐKH và ứng phó với những tác động của BĐKH. Thông qua đó, góp phần nâng cao năng lực ứng phó và hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, cũng như nâng cao năng lực và khả năng lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tích hợp các yếu tố về BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh- Ông Nguyễn Như Hạnh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với BĐKH: Cách làm chủ động, hiệu quả ở Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO