Ứng phó trượt lở đất đá: Cần chủ động!

11/09/2018 11:36

(TN&MT) - Những năm gần đây, cường độ mưa lớn đều tăng nên nguy cơ hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, đá tăng cao cả về diện và tần suất đặc biệt ở vùng núi Bắc Bộ. Điều này đòi hỏi các địa phương phải chủ động lên phương án ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này.

trượt lở đất đá
Các địa phương phải chủ động lên phương án ứng phó trượt lở đất đá. Ảnh: Hoàng Minh

Thông tin từ Tổng cục phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23 - 26/6 xảy ra trên diện rộng (một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang...) làm 33 người chết, mất tích; ước tính thiệt hại khoảng 762 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2017, lũ quét, sạt lở cũng đã diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh miền núi: tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8, tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) từ giữa tháng 10, sạt lở đất ở huyện Bắc Trà Mỹ, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Lũ quét, sạt lở đất đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi.

Điều tra, nghiên cứu của Viện Địa chất khoáng sản cho thấy, hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc có hơn 10.260 điểm đang có nguy cơ sạt lở. Trong đó, 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn. Nghiên cứu còn khoanh vùng tại 20 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá cao thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Nhằm hạn chế những thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm ở một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm. Bộ TN&MT đã thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, Đề án sẽ giúp Chính phủ, các địa phương nắm bắt về tình trạng sạt lở đất đá, có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp phòng tránh, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân. Đến nay, các đơn vị chức năng đã hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 17 tỉnh; bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cho 10 tỉnh. Các bản đồ này đã xác định, khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhất là ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đề án kéo dài đến năm 2020, bản đồ phân vùng trượt lở đất và lũ quét sẽ được xây dựng với tỷ lệ tăng dần, mức độ nghiên cứu chi tiết hơn để phục vụ cho chính quyền và người dân địa phương biết tại vùng họ đang sống có xảy ra hiện tượng trượt lở đất hay không.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đó là lâu dài, trước mắt, cần những giải pháp tình thế, nhằm ổn định đời sống người dân. Điều khó khăn nhất lúc này là tìm được quỹ đất tái định cư cho các hộ bị mất nhà trong những trận lũ quét, trượt lở đất đá vừa qua; đồng thời, tính toán những quỹ đất khác cho việc tái định cư những hộ dân nằm trong vùng đặc biệt nguy cấp.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Địa phương, ngoài việc tập trung rà soát, đánh giá, tổ chức di dời người dân khỏi những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần tiếp tục làm tốt phương châm bốn tại chỗ trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

PGS. TS Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, do đó, phương châm ứng phó cần được quán triệt sâu rộng là phòng hơn chống. Theo đó, các các địa phương cần thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó trượt lở đất đá: Cần chủ động!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO